CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Ai mua dừa tươi Bến Tre...

Cùng với những chiếc xe đẩy nhỏ gọn, thanh âm lảnh lót “Ai dừa tươi Bến Tre đây! Dừa tươi Bến Tre vừa lành vừa mát nào” như tưới vào nắng hè, xoa dịu đi cái cảm giác oi ả, khô khát... Thật ra, người ta đặt lời rao như thế cho vần và... tiện, rồi thu âm lại làm vốn cho những người bán dừa rong, vừa dễ nghe lại vừa đỡ khan cổ. Chứ thực chất, dừa trên xe không chỉ có nguồn gốc từ Bến Tre. Còn có một lý do nữa là “bóng dừa” trong một bài hát quen thuộc gắn với địa danh Bến Tre đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người nên nói đến dừa, người ta thường nghĩ tới dừa Bến Tre, đặt lời rao như thế âu cũng là kiểu “khôn lanh” đánh vào thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng.

Nói đến dừa cho trái, trên dải đất hình chữ S, nhiều nơi hiện hữu cây dừa, nhất là vùng duyên hải, nhưng là vựa dừa thì phải kể đến Bến Tre, sau đó mới tới Thanh Hóa. Do có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước nên Bến Tre còn được mệnh danh là xứ dừa. Cây dừa đã trở thành biểu tượng cho xứ này. Được phù sa của dòng Mê Kông nuôi dưỡng, cây dừa xứ này cũng xanh tốt hơn, năng suất cao hơn các vùng khác. Dừa Bến Tre có nhiều loại khác nhau. Nổi tiếng nhất là dừa xiêm cũng có 2 loại: dừa xiêm xanh và dừa xiêm đỏ (còn gọi là dừa lửa). Ngoài ra còn có dừa xiêm lai, dừa ta, dừa dứa... Thanh Hóa cũng là đất dừa tuy sản lượng dừa ở đất này kém xa Bến Tre. Nhưng nếu vận chuyển đi khu vực phía Bắc, dừa Thanh Hóa đương nhiên có lợi thế về mặt địa lý, do đó chiếm ưu thế về giá cả.

Dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh là quả dừa đặc biệt với cơm dừa dày xốp, hơi dẻo và nước dừa sánh đặc như hồ.

Dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh là quả dừa đặc biệt với cơm dừa dày xốp, hơi dẻo và nước dừa sánh đặc như hồ.

 

Bí quyết chọn dừa

Nói đến dừa xứ nào, tất nhiên người xứ ấy phải ca ngợi đặc sản quê mình rồi - Dừa Bến Tre số 1 thì dừa Thanh Hóa cũng được ngợi ca là “to, ngọt thấm vào tận cùi”. Tuy nhiên, công bằng mà nói, chất lượng dừa Bến Tre ổn định hơn, nếu không thì sao dừa Bến Tre vượt gần 2.000 cây số ra Hà Nội, giá cả đắt đỏ hơn mà vẫn được người Hà thành chuộng mua tới vậy!

 

Dừa xiêm xanh đặc sản của Bến Tre ngày càng được nhiều người biết đến. Do dòng dừa xiêm xanh nước rất ngọt, thơm, mát, những người sành uống dừa rất thích uống loại này. Dừa xiêm lửa là giống dừa quý, cho năng suất khá cao nên cũng được trồng nhiều ở Bến Tre. Dừa xiêm lửa trái tròn, nhỏ, có màu cam rám, nước có vị ngọt thanh. Vì thế, nếu nhìn vào trong xe dừa, chị em nào chuộng hình thức, kiểu phải to, phải đẹp mà chê dừa xiêm lửa là bị hớ đấy.

Chị X. - một người buôn dừa bật mí cách phân biệt dừa Thanh Hóa và dừa Bến Tre như sau: Quả dừa Thanh Hóa rất to (mỗi trái dừa thường từ 2-2,5kg). Dừa xiêm trái luôn nhỏ hơn, chỉ từ 1,3-1,8kg. Nhìn bên ngoài, quả dừa Thanh Hóa có 3 cạnh gồ lên rõ rệt như 3 múi. Dừa xiêm ko nhìn rõ gồ ở chóp. Chùm dừa Thanh Hóa thường rất ít cuống phụ xung quanh quả. Dừa xiêm xum xuê cuống phụ. Dừa Thanh Hóa (nếu xanh non) phần sát cuống sẽ có màu trắng, nếu già - phần vỏ hay bị rám nắng vàng vàng, đen đen. Còn dừa xiêm thường xanh từ đầu tới cuối, ít khi bị nám.

Người khó tính kén ăn một chút còn ngoa ngoắt nhận xét: Nước dừa xiêm ấy à, cứ gọi là thơm và ngọt lịm, cùi dừa lúc non lấy thìa cạo ăn ngon tuyệt. Dừa Thanh Hóa lúc non hầu như ko có cùi - lúc già thì cùi chỉ... kho thịt. Điều này không sai! Chị em nào mua dừa Thanh Hóa sẽ thấy điểm này: Quả nào được nước (ngọt) thì không có cùi, còn quả có cùi thì nước bắt đầu có vị chua, quả càng già, nước càng chua, đúng là chỉ lấy cùi được thôi.

Đặc sản có một không hai

Ngoài Bến Tre, Thanh Hóa, nói đến dừa còn phải kể đến Trà Vinh với quả dừa sáp. Đây là loại đặc sản có một không hai tại Việt Nam. Dừa sáp nổi tiếng nhất là tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Tương truyền rằng, những năm 60 của thế kỷ trước, giống dừa sáp được một nhà sư người Khmer ở Trà Vinh sang Campuchia tu hành, khi về mang theo và được trồng tại Cầu Kè rồi phát triển cho đến ngày nay. Không rõ do thổ nhưỡng hay còn vì lý do nào khác, nhưng dừa sáp chỉ có duy nhất ở Cầu Kè. Điều làm nên sự đặc biệt của loại dừa này chính là không phải cứ trồng mà được. Nghĩa là người trồng dừa, còn dừa sáp là do trời ban. Mỗi buồng dừa có thể sai đậu đến 15-16 quả nhưng có thể chỉ cho từ 3 - 4 quả là dừa sáp.

Nhìn vẻ bề ngoài dừa sáp không có gì khác so với những quả dừa bình thường khác. Nhưng điểm nổi bật của dừa sáp mà các loại khác không bao giờ có là lớp cơm dừa. Trong lớp cơm của quả dừa sáp bao gồm một lớp cơm dừa rất dày, nước trong quả dừa sền sệt, giống như dạng keo hồ xôm xốp, dẻo dẻo. Dừa sáp lúc mới đặt lên đầu lưỡi và ngập ngừng nhai sẽ cảm nhận được sự béo ngậy, rồi đến với hương thơm của cơm dừa hòa quyện với nước. Món ngon nhất mà người ta thường hay làm đó là sinh tố dừa sáp. Khi làm sinh tố dừa sáp không ai cho vào máy xay bởi như thế sẽ làm giảm đi một phần hương vị mà thay vào đó người ta chỉ dùng muỗng nạo ra từng lớp mỏng, sau đó cho sữa, đậu phộng (lạc), đường, đá xay vào. Như thế lúc ăn sẽ giữ được nguyên hương vị của dừa sáp.

Mặc dù dừa sáp được trồng khá rộng rãi nhưng vì số lượng những quả dừa sáp trên cả cây dừa chỉ có vài trái lên sáp dày nên trái dừa sáp trở thành đặc sản rất độc đáo và quý hiếm. Không phải lúc nào cũng có thể mua được. Và đương nhiên giá cũng rất đặc biệt!

Mùa hè, hãy tận hưởng thứ quả trời ban cho xứ sở nhiệt đới chúng ta và luôn nhớ cách chọn cho mình và gia đình những trái dừa ngon nhất, ngọt nhất nhé!

Thanh Trúc(Theo SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG)

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS