Báo động tình trạng thừa cholesterol đang 'gây hại' sức khỏe
Có đến 77% ca tử vong ở Việt Nam là liên quan đến các bệnh không lây nhiễm. Trong đó tỷ lệ người tử vong do bệnh tim mạch cao gấp đôi bệnh ung thư.
Ít người biết, lối sống của chúng ta, trong đó có chế độ ăn là nguyên nhân chính khởi phát tình trạng thừa cholesterol - "thủ phạm" chính của các bệnh tim mạch.
Dinh dưỡng gây hại sức khỏe
Trong buổi lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Theo thống kê thì có khoảng 1/3 số người trưởng thành có tình trạng thừa cholesterol. Đặc biệt hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50 - 69 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol.
Đây là thực trạng đáng báo động và cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời vì thừa cholesterol chính một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới và làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành… trong thời gian gần đây.
Đây là một gánh nặng rất lớn cho hệ thống y tế của quốc gia trong công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị và khắc phục các biến chứng của bệnh lý này ".
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, chuyên gia dinh dưỡng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Chế độ ăn nhiều chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol như thịt đỏ, mỡ lợn, bò, vịt, ngỗng béo nuôi công nghiệp, gan và các loại nội tạng động vật, các thức ăn đóng hộp về lâu dài sẽ góp phần gây tăng cholesterol xấu.
Bên cạnh đó, những người ngồi hoặc nằm quá nhiều cũng có nguy cơ bị cholesterol máu cao. Người hút thuốc cũng bị suy giảm HDL - cholesterol tốt. Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ cholesterol xấu và tốt mất cân bằng, cholesterol tốt giảm, cholesterol xấu tăng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ...), căn bệnh đang gây tỷ lệ tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Đáng nói, người Việt dường như chưa kiểm soát được các thói quen ăn uống và sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe. Theo bà Mai, điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm sau 5 năm (2010 và 2015) cho thấy chỉ có 2 yếu tố là lượng rau - trái cây tiêu thụ và hoạt động thể lực đã có cải thiện bước đầu, mặc dù vẫn còn ở mức thấp, các chỉ số như hút thuốc lá, uống rượu bia đến mức nguy hại, tiêu thụ muối... đều chưa kiểm soát được. Đặc biệt, người Việt vẫn còn giữ thói quen sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol và chất béo có hại.
Ăn uống, vận động hợp lý để phòng bệnh
"Mỗi người cần sử dụng 400 gr rau quả/ngày, chú ý rau quả tươi, sạch, dùng nhiều rau quả có màu xanh đậm, vàng, đỏ. Uống đủ nước theo thể trọng từng người, người 50 kg cần uống 2 lít nước/ngày, người 60 kg lượng nước cần dùng tăng lên 2,4 lít/ngày, giảm tiêu thụ muối - mỗi người chỉ nên dùng 5 mg muối/ngày, trong khi bình quân mỗi người Việt hiện đang dùng 9gr muối là quá nhiều"- bà Mai hướng dẫn.
Bà cho biết thêm, trong các thói quen ăn uống và chế biến thực phẩm, người Việt có thói quen chấm khi ăn, nhưng hiện việc "chấm" đang bị lạm dụng, ngay cả ăn dưa hấu cũng chấm muối. Giảm "chấm" không cần thiết sẽ giảm được lượng muối sử dụng" - bà Mai nói.
Yếu tố quan trọng cần lưu ý điều chỉnh là chủ động tăng cường sử dụng chất béo có lợi. Cụ thể đó là loại chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như: cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương… Đặc biệt, dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh ngoài cung cấp chất béo có lợi còn có tác dụng trong việc giảm hấp thu cholesterol từ thực phẩm.
Dinh dưỡng hợp lý, theo bà Mai là chiếc chổi "quét" cholesterol xấu trong cơ thể. Những nguyên tắc trên không phải là những nguyên tắc cao xa, khó thực hiện, mà có thể áp dụng ngay để phòng bệnh. "Mỗi người nội trợ chú ý những nguyên tắc này trong gian bếp của gia đình sẽ giúp gia đình khỏe mạnh" - Bà Mai khuyên.
Bên cạnh đó, nên áp dụng nguyên tắc 3-5-7, tức là ít nhất 30 phút thể dục/ngày và trong 5 ngày/tuần. Hiện nay, người Việt đã tham gia tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn trước, nhưng so với mức khuyến cáo thì vẫn còn rất nhiều người đang vận động quá ít, góp phần dẫn đến các căn bệnh cần điều trị kéo dài như: béo phì, thừa cân, tim mạch, huyết áp cao... cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cholesterol.
Phát biểu tại Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" tổ chức sáng 16-10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nói nhiều đến vai trò của phòng bệnh.
"Việt Nam đang trong tiến trình hành động phòng chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu, chúng ta đã đạt 9/19 chỉ số, đáp ứng tiến độ và năng lực phòng chống quốc gia với bệnh không lây nhiễm. Năm 2019 Bộ Y tế đã ban hành chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó phòng chống bệnh không lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu" - Thứ trưởng Sơn cho biết.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- 9 lợi ích sức khỏe của việc uống nước dừa trong mùa nắng nóng
- 10 lợi ích sức khỏe đáng khám phá của đậu cô ve
- 4 thực phẩm tác dụng bổ thận tráng dương
- Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư
- Loại quả mùa hè thơm ngon bổ dưỡng, giúp ngừa bệnh tiểu đường và giảm mỡ máu, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ
- Ăn dưa hấu thường xuyên trong mùa nóng, chuyện gì xảy ra với sức khỏe?
- 1 loại quả bán rẻ ở chợ Việt là cứu tinh cho người giảm cân, lại giúp hạ đường huyết
- Loại rau bán rẻ nhất chợ, quý ngang nhân sâm, người Việt nên ăn thường xuyên để sống thọ
- 7 món tránh ăn uống buổi sáng khi bụng đói
- Với chỉ 2 tách cà phê mỗi ngày, nguy cơ tái phát ung thư ruột thấp hơn tới 32%
- 3 điều bất ngờ khi bạn ăn miến thường xuyên, đây là 2 thời điểm không nên ăn miến vì gây hại dạ dày
- Bất ngờ 7 nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn rau mùi