Bổ sung đúng dưỡng chất - đúng liều sinh lý cơ thể
Vi chất dinh dưỡng: Nhiên liệu cần quan trọng để trẻ ăn ngon, ngủ tốt, thông minh
Làm cha mẹ thời đại công nghệ số dễ mà khó. Lợi ở chỗ, chỉ cần một lần tìm kiếm đã có vô vàn lời khuyên hữu ích, nhưng đây cũng là mặt hại, vì quá nhiều thông tin nên mẹ khó chọn lọc.
Trong đó, bậc phụ huynh nào cũng biết rằng cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng và phải bổ sung sớm. Song thực tế, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về các vi chất, dẫn đến tình trạng tưởng thiếu hóa thừa, thừa hóa chưa đủ.
Thiếu vi chất dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi (Ảnh minh họa)
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM, vi chất dinh dưỡng là nhiên liệu cần có để cơ thể trẻ phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần.
Tuy cơ thể chỉ cần với một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng nhưng khi thiếu những vi chất này sẽ gây rất nhiều hậu quả trầm trọng. Điển hình như suy dinh dưỡng (bao gồm suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi), làm trẻ chậm phát triển về thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, thiếu một số vi chất dinh dưỡng có thể gây biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, chẳng hạn như thiếu vitamin A gây mù lòa; thiếu i-ốt gây bướu cổ; thiếu sắt, acid folic hay vitamin B12 đều có thể gây thiếu máu; hay thiếu canxi, vitamin D khiến trẻ em còi xương.
“Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ phổ biến nhất là do khẩu phần ăn kém đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng. Thứ 2 là do nhu cầu của trẻ tăng cao trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh nhưng lại không được cung cấp đủ do trẻ biếng ăn, mắc một số bệnh lý. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất còn gặp ở những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán)” - BS Diệp cho biết.
Trẻ biếng ăn, mệt mỏi là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng cha mẹ cần lưu ý. (Ảnh minh họa)
Việc thiếu vitamin và khoáng chất rất khó phát hiện nếu không thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, nên dễ bị bỏ qua. Cho đến khi sự thiếu hụt diễn tiến trong thời gian dài, khiến sức khỏe suy giảm nhiều và trở thành bệnh lý.
Do đó, BS Ngọc Diệp khuyến cáo: “Khi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, cơ nhão, tóc thưa, hay giật mình, đau buốt xương, da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt; Hoặc một số biểu hiện đặc thù khi thiếu một loại vitamin cụ thể như khô mắt khi thiếu vitamin A; sưng lợi, dễ chảy máu khi thiếu vitamin C; tóc khô, móng tay mềm dễ gãy khi thiếu kẽm… thì cần đưa đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn hướng xử trí kịp thời”.
Khi nào trẻ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng từ thực phẩm bổ sung?
Để bổ sung đủ vi chất, phụ huynh cần xem xét nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) được Bộ Y tế xây dựng theo độ tuổi của con. Sử dụng các thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng; cần chú ý phối hợp đầy đủ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin và chất khoáng, chất béo, sử dụng muối i-ốt theo khuyến nghị.
Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, đồng thời cho trẻ trong độ tuổi quy định uống vitamin A liều cao 2 lần mỗi năm theo hướng dẫn; thực hiện vệ sinh, tẩy giun định kỳ.
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho chất bột đường (g/ngày). Nguồn: Viện Dinh dưỡng.
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho chất đạm; NPU là hệ số sử dụng protein. Nguồn: Viện Dinh dưỡng.
Nhu cầu sắt, kẽm, iốt của trẻ từ 0 đến 9 tuổi. Nguồn: Viện dinh dưỡng
Nhu cầu khuyến nghị cho các vitamin nhóm B, vitamin C. Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Bên cạnh đó, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là rất quan trọng nếu con thuộc nhóm trẻ có nguy cơ bị thiếu hụt như trẻ biếng ăn hoặc chế độ ăn không cần đối; chậm tăng trưởng; sống trong môi trường thiếu thốn; ít tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và/ hoặc không được cung cấp đủ vitamin D; trẻ có bệnh mạn tính ảnh hưởng tới sự hấp thu dưỡng chất; trẻ giảm cân hoặc đang có chế độ ăn kiêng khắt khe…
“Đặc biệt, trong những giai đoạn phát triển cần nhu cầu cao như trẻ nhỏ trong 6 năm đầu đời, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì nên đặc biệt quan tâm, có thể lựa chọn bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu nhưng phải hết sức thận trọng.
Trước hết, mẹ phải biết nhu cầu mỗi độ tuổi của con cần bao nhiêu. Thứ hai là chế độ ăn của bé đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu. Sau đó, mới quyết định có bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ hay không, bổ sung loại nào và bao nhiêu. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ để có những khuyến nghị với độ tuổi của trẻ” - BS Diệp đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý giúp con tăng cường khả năng miễn dịch, làm tiền đề cho sự phát triển toàn diện thể chất và trí não. (Ảnh minh họa)
Thông thường, ít có trường hợp thiếu đơn độc một loại vitamin hoặc khoáng chất. Khi đó việc bổ sung dưới dạng hỗn hợp sẽ có hiệu quả hơn dùng các loại riêng biệt.
Hơn nữa, nên chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín, khoa học. Cho trẻ dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng xấu do dùng quá liều. Lưu ý, sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
Theo suckhoedoisong.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- 9 lợi ích sức khỏe của việc uống nước dừa trong mùa nắng nóng
- 10 lợi ích sức khỏe đáng khám phá của đậu cô ve
- 4 thực phẩm tác dụng bổ thận tráng dương
- Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư
- Loại quả mùa hè thơm ngon bổ dưỡng, giúp ngừa bệnh tiểu đường và giảm mỡ máu, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ
- Ăn dưa hấu thường xuyên trong mùa nóng, chuyện gì xảy ra với sức khỏe?
- 1 loại quả bán rẻ ở chợ Việt là cứu tinh cho người giảm cân, lại giúp hạ đường huyết
- Loại rau bán rẻ nhất chợ, quý ngang nhân sâm, người Việt nên ăn thường xuyên để sống thọ
- 7 món tránh ăn uống buổi sáng khi bụng đói
- Với chỉ 2 tách cà phê mỗi ngày, nguy cơ tái phát ung thư ruột thấp hơn tới 32%
- 3 điều bất ngờ khi bạn ăn miến thường xuyên, đây là 2 thời điểm không nên ăn miến vì gây hại dạ dày
- Bất ngờ 7 nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn rau mùi