Cậu bé mặc váy thổi bùng cuộc tranh luận về nam tính ở Trung Quốc
Khi một nam sinh 7 tuổi nói muốn mặc váy tới trường bởi bộ trang phục "thoáng mát và đẹp", cha mẹ cậu bé không quá ngạc nhiên. Họ tới siêu thị cùng con trai để mua một bộ váy màu xanh nước biển.
Nhưng rồi, câu chuyện được người cha chia sẻ trên mạng xã hội đã là nguồn cơn cho một cuộc tranh luận gay gắt về giáo dục giới tính ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Nam sinh mặc váy đến trường
Người cha trong câu chuyện là một người đàn ông nội trợ năm nay 31 tuổi, sống ở Bắc Kinh. Trong giao tiếp trên mạng xã hội, người này dùng cái tên Haixing. Câu chuyện mua váy cho con trai được Haixing chia sẻ trên website Zhihu hồi tháng 6.
"Hai vợ chồng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều mà lúc này chúng tôi đang đối mặt. Chúng tôi trân trọng sự dũng cảm của con trai mình, bởi thẳng bé thừa hiểu váy là trang phục (thường dành cho) con gái", Haixing viết.
Khi con trai của Haixing tới trường, bộ trang phục của cậu bé đã khiến nhiều người, từ bảo vệ cho tới các thầy cô giáo "sững sờ". Họ chỉ vào trang phục cậu bé mặc trên người vào nói "đó chẳng phải là váy sao?".
Đứa trẻ trở về nhà và khóc. Cậu bé nói đã bị một số bạn cùng lớp lấy ra làm trò cười. Nhưng điều khiến con trai của Haixing tổn thương nhất là một cậu bé khác trong lớp đã vén chiếc váy lên.
Buổi chiều hôm đó, một giáo viên đã công khai quở trách cậu bé trước lớp, nói rằng "con trai cần phải ra dáng con trai, con trai thì không mặc váy". Một số nữ sinh nhỏ tuổi trong lớp đứng lên nói con trai có quyền tự do mặc váy, và ngược lại.
Nhưng giáo viên này phản ứng lại khi nói "đó là ở Mỹ, ở Trung Quốc không có thứ 'tự do' như vậy".
Câu chuyện của con trai Haixing đã tạo ra tranh cãi trên khắp Trung Quốc. Một số người ủng hộ việc cặp cha mẹ có suy nghĩ cởi mở, sẵn sàng phá vỡ các định kiến. Nhưng một số khác công kích người cha.
Một số khác cho rằng "tự do" theo cách mà Haixing cho phép con mình mặc váy đến trường cần phải bị siết chặt.
Đa dạng giới tính chưa được chấp nhận
Cui Le, một nghiên cứu sinh về giới và giáo dục tại Đại học Auckland, cho rằng nhận thức của công chúng về câu chuyện của Haixing phản ánh tranh cãi cao độ về giáo dục giới tính trong lòng Trung Quốc.
"Trái ngược với cách giáo dục tôn trọng sự đa dạng của người cha, đứa trẻ đã vấp phải đủ mọi sức ép ở trường, từ sự trách mắng của các giáo viên, cho tới sự trêu chọc và bắt nạt của các bạn cùng lớp. Điều này cho thấy tại các trường học Trung Quốc, quy chuẩn truyền thống về giới tính vẫn thống trị", ông Cui nhận định.
Những người không xác định giới tính theo giá trị truyền thống gặp nhiều khó khăn khi bộc lộ bản thân, trong khi nhà chức trách vẫn thiếu nhận thức về cải thiện vấn đề giới. Điều này gây lo ngại về cuộc sống của các học sinh thuộc nhóm LGBT, ông bình luận.
Tuần trước, nhiều tài khoản LGBT trên nền tảng mạng xã hội WeChat đã bị đóng. Động thái này được nhiều người dùng Trung Quốc hoan nghênh, với những giọng điệu nặng tính kỳ thị như "các người có thể đồng tính, nhưng đừng có làm hư con cái chúng tôi".
Một số ý kiến thì nói "đồng tính không phải điều để tự hào, nếu bị khuyết tật, tôi sẽ không đi khắp nơi quảng cáo về tình trạng của mình".
Ở phương Tây, trong giáo dục giới tính, ngày càng có sự đồng thuận lớn về việc áp dụng tư duy phản biện đối với các chuẩn mực về giới, phá bỏ các định kiến về giới, tôn trọng đa dạng giới tính.
"Ví dụ, ở New Zealand, giáo dục về tình dục và giới tính quy định rằng các trường học cần cung cấp đồng phục phi giới tính, và học sinh có thể lựa chọn đồng phục, nhà tắm dựa trên mong muốn của bản thân và cách các em xác định giới tính của mình. Giáo viên cần tránh thể hiện định kiến về giới, như chia học sinh thành 'nam giới và nữ giới'", ông Cui nói.
Tuy vậy, quan điểm chủ đạo tại Trung Quốc vẫn là duy trì các chuẩn mực truyền thống về giới, đặc biệt với các quan chức chính phủ.
Hồi tháng 2, một tài liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc có ghi các lớp học thể chất cần được thiết kế để giúp trẻ em nam Trung Quốc "nam tính hơn".
Theo ZingNews
Đây là cách mà Bộ Giáo dục Trung Quốc dùng để đáp trả lại một số bình luận từ các đối thủ chính trị rằng đàn ông Trung Quốc đang ngày càng trở nên "yếu đuối, hèn nhát, nữ tính".
Những năm gần đây, thuật ngữ "tiểu thịt tươi" được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc. Đây là cách để miêu tả những nam giới trẻ thường sử dụng trang điểm, mặc đồ bó, khác với khuôn mẫu đàn ông truyền thống.
"Rõ ràng sẽ còn lâu đa dạng và bình đẳng giới mới được chấp nhận trong nền giáo dục Trung Quốc", ông Cui nói.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới