CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Chuyên gia từ Viện Tâm lý học Việt Nam lý giải chuyện "đồng tính có khả năng "lây" được hay không?" và kết quả sẽ thật là bất ngờ

Không thể phủ nhận nhiều người khăng khăng rằng "đồng tính có thể lây lan", hãy cùng chuyên gia làm rõ định kiến này.

Lời giới thiệu:

Cộng đồng LGBT toàn thế giới đang bước vào tháng Pride-Tháng tự hào vì người LGBT dám tự tin thể hiện và sống thật với chính mình.

Từ một đất nước khá bảo thủ với LGBT, nhiều năm nay Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong hoạt động lập pháp liên quan đến quyền của cộng đồng LGBT. Như việc Bộ luật Dân sự thừa nhận quyền chuyển giới, hay Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" tuy vẫn chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Đến cuối năm ngoái, trong quá trình sơ kết 5 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, nhiều ý kiến từ các nhà lập pháp lại đề xuất nghiên cứu cho phép những người cùng giới tính được đăng ký kết hôn.

Nhưng tại rất nhiều nơi, vẫn còn rất nhiều gia đình đang cố nắn, đang đánh mắng hoặc đuổi thẳng con mình ra khỏi nhà vì cho rằng nó bị lây đồng tính từ xã hội.

Xin giới thiệu bài viết của T.S tâm lý Nguyễn Cao Minh (Viện Tâm lý học Việt Nam) về chủ đề thú vị: Đồng tính bị lây?

Chuyên gia từ Viện Tâm lý học Việt Nam lý giải chuyện "đồng tính có bị lây?" - Ảnh 1.

T.S tâm lý Nguyễn Cao Minh (Viện Tâm lý học Việt Nam)

"Anh chị không kỳ thị gì đâu, nếu đúng là nó thực sự đồng tính. Nhưng mà hồi bé nó ngoan lắm, bảo gì cũng nghe. Anh chị sai lầm cho nó cái điện thoại để liên lạc, đâu có biết là nó vào internet bị bạn bè lôi kéo".

Anh Hải và chị Vân liên lạc cho tôi hai hôm trước rồi sáng nay đi xe sớm từ Nghệ An lên Hà Nội gặp tôi để trao đổi về Dương, sau khi anh chị phát hiện em có tin nhắn tình cảm yêu đương với một chị cùng giới.

Chuyện đồng tính bị " lây" hay không, không mới nhưng cũng chưa bao giờ nguội với bố mẹ và bản thân các bạn trong cộng đồng người đồng tính.

Cộng đồng LGBT không muốn dùng từ lây, bởi lẽ "lây" có nghĩa tiêu cực. Khái niệm lây thường gắn với bệnh lý trong khi đó đồng tính không phải là bệnh lý. LGBT vốn đã chịu rất nhiều kỳ thị và phản ứng tiêu cực, họ không muốn mọi người củng cố hay duy trì những ý tưởng tiêu cực về cộng đồng mình. Nhưng nói đồng tính không lây thì sẽ không thuyết phục được anh Hải chị Vân và nhiều phụ huynh khác.

Họ thấy con mình lúc bé rất ngoan, rất nghe lời, và chỉ từ khi lên mạng vào các diễn đàn của bạn đồng tính, từ đó chúng mới thay đổi hành vi, cách suy nghĩ. Khi anh Hải chị Vân nói con anh chị bị lây đồng tính, họ có ý rằng cháu học hỏi, bắt chước việc đồng tính đó từ những người khác.

Đồng tính có thể lây lan?

Nếu xem xét kỹ, sẽ thấy rất có lý khi nói thế.

Trước hết phải nói rằng, ngôn ngữ đời thường của chúng ta không truyền tải hết bản chất vấn đề.

Ví dụ, bệnh cúm dịch hành năm là một bệnh lây truyền. Khi mắc bệnh này, người bệnh sẽ có những triệu chứng như sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên biểu hiện của mỗi người khác nhau. Chúng ta lây bệnh khi chúng ta tạo cơ hội để con virus đó từ người bệnh xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Nên triệu chứng của bệnh không phải là cái lây, mà nguyên nhân gây ra triệu chứng, con virus mới bị lây nhiễm.

Một điểm cần lưu ý, việc lây nhiễm diễn ra một cách nhằm ngoài việc kiểm soát của tâm trí nên một khi bạn tiếp xúc với tiếp xúc người có mầm bệnh, lây nhiễm sẽ xảy ra bất kể bạn có suy nghĩ về nó hay không. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là khi con virus vào cơ thể một người nào đó, nó sẽ sống sót và gây bệnh. Có rất nhiều người nhiễm virus cúm mà không phát bệnh vì cơ thể của họ có sức đề kháng với virus. Virus muốn lây nhiễm thành công phải tìm được một môi trường thuận lợi.

Như vậy là khi nói đến lây nhiễm, chúng ta nói đến ba thứ: cái gì lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm như thế nào và môi trường nào giúp cho việc lây nhiễm thành công.

"Lây" ở đồng tính có khi nào cũng diễn ra ba yếu tố như vậy? 

Nếu các bạn xét nó vào "bệnh" như cộng đồng những người quá khích trên thế giới? Nhưng mà không, vì đây không phải là một bệnh, ở đây "lây" chỉ nên hiểu là "ảnh hưởng hành vi".

Trước tiên cần hiểu một chút về khái niệm "đồng tính".

Người đồng tính là những người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người cùng giới và những hành vi tình cảm/tình dục là kết quả của những sự hấp dẫn đó (theo định nghĩa của Hội tâm lý học năm 2015). Người đồng tính có hai thứ là cảm giác hấp dẫn tình dục và hành vi tình dục thỏa mãn cảm giác đó.

Cái gì ở người đồng tính có thể lây lan?

Tôi đề nghị anh Hải chị Vân nhắm mắt lại, hình dung cảnh họ đang hôn một người cùng giới. Sau khi thực hiện, cả bố và mẹ đều nói rằng họ thấy ghê ghê.

Tôi hỏi họ: "Vậy anh chị có nghĩ rằng cảm giác muốn hôn, muốn quan hệ tình dục với người cùng giới có lây được không?"

Không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng ý, nhưng hoạt động tưởng tượng là công cụ tốt nhất của tôi để giúp phụ huynh dễ chấp nhận con mình hơn vì nó hướng đến việc thấu hiểu bằng cảm nhận chứ không bằng suy nghĩ. Và lần này, anh Hải chị Vân đã đồng ý với tôi và thấy rằng cảm xúc rất khó lây.

Nhưng ngược lại, khoa học đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ chứng mình sự lây lan của các hành vi cá nhân.

Albert Bandura - một nhà khoa học kiệt xuất của tâm lý học đề xuất một lý thuyết mang tên học tập xã hội dựa trên một thực nghiệm rất đơn giản. Ông cho đứa trẻ xem đoạn phim ngắn, về một người lớn đấm đá một con lật đật. Sau đó đứa trẻ được đưa vào phòng với con lật đật cùng nhiều đồ chơi khác. Chỉ sau một lát, đứa trẻ đối xử rất thô bạo với con lật đật như đấm đá, dùng búa đập. Thậm chí có những đứa trẻ còn sáng tạo ra các hành vi bạo lực mới như dùng súng dí vào đầu con lật đật.

Những đứa trẻ khác không được xem đoạn video thì chơi bình thường với mọi đồ chơi và không có hành vi bạo lực nào.

Vậy có phải hành vi kể trên đã lây từ người này sang người khác hay không?

Mới hôm trước, có một nhà hoạt động trẻ của cộng đồng LGBT khẳng định trên truyền hình: "Không, đồng tính không thể lây nhiễm, vì nó là tự nhiên".

Nhà hoạt động trẻ này sẽ lập luận: Nếu bị lây thì đã chẳng có người đồng tính. Bởi lẽ cộng đồng đồng tính là thiểu số, họ sống từ bé đến lớn trong môi trường xung quanh toàn những người dị tính. Nếu việc mình yêu thích ai (thích giới nào) hay mình là ai (là nam hay nữ) có thể bị ảnh hưởng bởi bạn bè và môi trường xã hội thì những người đồng tính sẽ bị lây thành người dị tính chứ không phải ngược lại.

Do đó, đúng là chúng ta bị lây hành vi của người khác, tuy nhiên, không phải cứ người khác làm gì là chúng ta sẽ làm theo. Đồng tính có thể "lây", nhưng là "lây" về hành vi, lối thể hiện; không giống như lây virus, việc "lây nhiễm" hành vi, chịu ảnh hưởng từ người khác của con người có sự chủ động hơn của trí óc. 

Chúng ta chọn lọc hành vi để bắt chước. Đây là định nghĩa "lây" của đồng tính. 

Chốt sổ, không lây được về xu hướng tính dục, chúng ta chỉ bắt chước hành vi, thái độ mà thôi.

____

Bandura chỉ ra hai lý do chúng ta lây hành vi của người khác. Lý do thứ nhất: ta nghĩ nó được người khác chấp nhận và tán thưởng. Các trẻ em trong thực nghiệm của Bandura thấy người lớn trong đoạn video cư xử thô bạo với con lật đật. Vì thế các em bắt chước theo.

Nhưng lý do này không phù hợp trong trường hợp "lây" hành vi.

Một thực tế không thể chối bỏ là hành vi của nhóm đồng tính chưa được xã hội chấp nhận. Khi một người thể hiện công khai cho người khác biết mình thuộc nhóm đồng tính, họ sẽ bị kỳ thị tấn công. Hành vi tình dục đồng tính chưa được xem là một chuẩn mực xã hội, chưa phải một việc được đông đảo mọi người tán thưởng. 

Do vậy, nếu cơ chế lây lan là từ số nhiều lây sang số ít thì thực tế phải là người dị tính "lây" cho người đồng tính mới phải. Và như thế-như nhà hoạt động nói ở trên-sẽ chẳng có hành vi đồng tính nữa. 

Lý do thứ hai, chúng ta sẽ bị lây một hành vi nào đó nếu tin rằng nó sẽ dẫn đến kết quả mình mong muốn. Ví dụ khi thấy bạn mình tập thể dục và khỏe ra rất nhiều, chúng ta cũng muốn khỏe ra, kết quả là chúng ta đi tập thể dục.

Nếu đây là cơ chế lây lan đồng tính thì đồng tính đem lại kết quả tốt đẹp gì?

Hành vi tình dục hay các nhu cầu tình cảm lãng mạn là một nhu cầu rất tự nhiên của con người, và chúng ta cần phải thỏa mãn nó. Với những người dị tính, điều đó thật là dễ dàng. Nhưng với người đồng tính, thường khi còn nhỏ, họ không hiểu, không biết điều gì đang ra với mình. 

Do những nhu cầu đó khác biệt hẳn với số đông nên người đồng tình phải kìm nén và che giấu nó đi. Cho đến khi tiếp xúc với những người đồng giới khác, quan sát và học hỏi từ những người đồng giới, họ mới nhận ra ồ không phải chỉ có một mình có những cảm xúc và hành vi như vậy. Những nhu cầu tình cảm lãng mạn và tình dục của mình cũng có thể được thỏa mãn bằng các hành vi tính dục đồng giới. Từ đó họ tiếp nhận những hành vi đó cho mình.

Tuy nhiên, cũng giống như virus chỉ lây lan được trong môi trường thích hợp, hành vi tình dục đồng tính chỉ thỏa mãn nhu cầu của những người có cảm xúc đồng tính. Những người dị tính nếu bắt chước hành vi đồng tính sẽ cảm thấy khó chịu và không thực hiện được. (Và khi chúng ta không thấy thoải mái với sự việc, chúng ta sẽ không thực hiện mà, thế thì sao mà lây nổi?)

Lịch sử con người đã chứng kiến rất nhiều chương trình nỗ lực để thay đổi xu hướng tình dục của một người, gọi chung là trị liệu cải hoán. Để thực hiện điều đó, các chương trình áp dụng các biện pháp như thôi miên, sốc điện, giáo dục tâm lý, giáo dục tình dục, trừng phạt và hành hạ thể xác trong một thời gian dài (sáu tháng đến hàng năm) tại các trại tập trung chuyên biệt.

Nhưng kết quả của các chương trình đó không phải là sự thay đổi xu hướng tình dục mà lại những tổn thương tâm lý nặng nề, như đau khổ, trầm cảm, giày vò bản thân, căm ghét bản thân mình. Nhiều người đã tự kết thúc cuộc đời sau khi trải qua những chương trình như vậy.

Các hiệp hội tâm thần học, hội tâm lý học của nhiều nước trên thế giới đã coi việc thực hiện trị liệu cải hoán là vô đạo đức, làm hại con người.

Như vậy chúng ta có thể thấy hành vi đồng tính có thể "lây" được, nó lây lan ở những người sẵn có các cảm xúc đồng tính. Việc lây này có sự chủ động ở chủ thế rất nhiều.

Những người dị tính chủ động bị "lây"

Nhưng cũng có những người dị tính có vẻ như "bị lây". Họ không có cảm xúc lẫn hành vi đồng tính, nhưng họ yêu thích, ủng hộ người đồng tính, bắt chước một vài phong cách ăn mặc, lời nói.

Hãy bỏ qua tính chất tình dục luyến ái của hành vi đồng tính mà nhìn dến khía cạnh tâm lý của nó.

Hành vi đồng tính là những hành vi không phổ biến trong xã hội. Điều đó làm cho những người đồng tính khi so sánh mình với người dị tính (vốn là số đông áp đảo), sẽ cảm thấy khó hiểu, xa lạ với bản thân mình, dẫn đến đánh giá và phán xét chính mình. Điều này dẫn đến phát triển những cảm giác tiêu cực về bản thân tự ti, xấu hổ, dằn vặt và đau khổ. Nhưng sau đó, họ khi họ chấp nhận bản thân, chấp nhận xu hướng tình dục của mình, thì cảm thấy hạnh phúc vui vẻ. Họ là những hình mẫu cho việc tìm hạnh phúc với những gì mình có, tự tin về bản thân bất kể bạn là ai.

Vì thế nếu bạn không muốn con mình sống vui tươi, thoải mái và tự tin, bất kể con bạn là ai, dị tính hay đồng tính, thì hãy giữ con bạn tránh xa khỏi những người đồng tính. Cái thái độ, tinh thần đó lây lan mạnh lắm. Mấy ai dám sống trọn vẹn, sống hết mình như cộng đồng ấy đâu.

Theo afamily.vn

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS