CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn!

Cách đây hai tháng, một thủ lĩnh trẻ của cộng đồng LGBT trong TP HCM cười nhẹ khi chúng tôi đang nói về việc xã hội hiện đã rất cởi mở và giảm kỳ thị với cộng đồng LGBT. “Đồng ý là giảm nói chung, nhưng sự kỳ thị đã trở nên kín đáo và sâu sắc hơn, chị ạ” - bạn ấy nói. Đáng tiếc, một số bạn LGBT chúng tôi vừa gặp trong tuần qua đã bằng cách này hay cách khác xác nhận điều này.

"Thà tốn thêm ít tiền ra phòng khám tư để được tôn trọng"

Dương Tú Anh, người chuyển giới nữ, hiện là giám đốc doanh nghiệp xã hội Venus (hỗ trợ dự phòng HIV, tư vấn tâm lý và về nội tiết cho nhóm chuyển giới nữ) tại Hà Nội kể, bản thân cô và một số bạn chuyển giới nữ đều có những lần đi khám bệnh thông thường tại bệnh viện công. 

Một lần cô lên cơn đau dạ dày trong lúc đang dự sự kiện, vẫn mang tóc giả và mặc trang phục nữ. Khi được trả lời là người chuyển giới nữ (vì ngoại hình và giấy tờ không khớp nhau), bác sĩ điều trị nói trống không "thế thì khám kiểu gì", rồi xếp sổ khám bệnh của cô vào cuối cùng, ưu tiên cho những người khác khám trước.

"Nên các bạn cộng đồng bảo nhau thà ra phòng khám tư, tốn thêm ít tiền mà được tôn trọng, chứ không vào bệnh viện công đâu" - Tú Anh kể.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn - Ảnh 1.

Dương Tú Anh, người chuyển giới nữ, hiện là giám đốc doanh nghiệp xã hội Venus (hỗ trợ dự phòng HIV, tư vấn tâm lý và về nội tiết cho nhóm chuyển giới nữ) tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Long

Tiểu Ngư, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, thành viên Mạng lưới Nữ yêu nữ Việt Nam thì kể có lần bạn đưa một bạn cũng thuộc nhóm nữ yêu nữ đi khám để tiến hành thụ tinh nhân tạo, có con. Lẽ ra trong phòng khám chỉ có một bệnh nhân/khách hàng với bác sĩ, thì tại đây lại xếp rất nhiều khách hàng ngồi chung. Thế là các bạn khai báo gì với bác sĩ thì cả phòng đều nghe. Đã thế, bác sĩ đọc hồ sơ xong còn vặn hỏi "Sao không có con bằng cách trực tiếp cho đỡ tốn tiền, chọn cách này làm gì?"

"Đành rằng có thể bác sĩ cũng muốn đỡ tốn kém cho bạn mình nên khuyên thế. Nhưng bạn mình đã nói rõ là người nữ yêu nữ nên không thể có quan hệ tình dục với nam giới mà bác sĩ vẫn khuyên thế, nên bọn mình ngại quá. Đã thế mọi người vừa nghe là quay đầu hết nhìn vào bọn mình luôn, rất khó chịu. Xong họ còn xì xào ngay trước mặt mình.

"Đấy chắc là người yêu đấy". Mình chỉ đưa bạn mình đi khám chứ không phải là người yêu, mà nếu là người yêu thì liên quan gì đến các chị ấy đâu. Chúng mình cảm thấy khám ở những bệnh viện công như thế thì thông tin của mình không được bảo mật" - Tiểu Ngư nói.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn - Ảnh 2.

Tiểu Ngư, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, thành viên Mạng lưới Nữ yêu nữ Việt Nam Ảnh: Hoàng Long

Bảo mật thông tin y tế khách hàng là yêu cầu bắt buộc của ngành y, và đối với cộng đồng LGBT, nó còn quan trọng hơn rất nhiều. Khi bị lộ thông tin cá nhân, các bạn chưa come out có thể bị phản đối, thậm chí chối bỏ từ gia đình, bạn bè và cả trong nơi làm việc.

"Một bạn chuyển giới nữ có H đi khám bệnh thông thường. Khi thấy kết quả xét nghiệm máu của bạn dương tính với HIV thì bác sĩ khuyên bạn đi điều trị. Nhưng bạn ấy cho biết đã điều trị hơn nửa năm rồi và tải lượng virus đã dưới ngưỡng lây nhiễm. 

Tức là việc có H của bạn ấy đã được giải quyết. Thế  mà bạn ấy vừa bước chân ra ngoài cửa để làm các thủ tục khác thì nhân viên y tế đã chỉ trỏ bạn ấy và bảo bạn ấy là người có H đấy" - Tú Anh kể một trường hợp cô đã hỗ trợ.

Có thể do văn hóa và tập quán, các hoạt động và nhóm cộng đồng dành cho LGBT ở phía Bắc không công khai và sôi nổi liên tục như ở phía Nam. Các nhóm hỗ trợ như nhóm gia đình, bạn bè và người ủng hộ người LGBT (PFLAG) gần như cũng không thấy hiện diện. 

Do vậy, việc chia sẻ tâm tư hay tìm hiểu kiến thức về bản dạng giới, xu hướng tính dục hay chăm sóc y tế chuyên biệt rất nhiều lúc vẫn chỉ diễn ra trên mạng Internet, trong các nhóm kín của cộng đồng, với sự hiện diện ít ỏi.

"Do chưa có luật về chuyển giới nên các hoạt động chăm sóc y tế cho người chuyển giới đều diễn ra âm thầm, nên ngay cả ngành y tế cũng bị bối rối, không biết phải làm gì khi gặp các trường hợp này. Một số khác thì kỳ thị. Do vậy chúng tôi đành phải tự làm bác sĩ cho bản thân, tự tìm hiểu về hormone, tự đi mua về, tự tiêm, và tự chịu hậu quả khi không đúng chuyên môn" - Chu Thanh Hà, Trưởng nhóm It's T time hỗ trợ những người chuyển giới nam ở Hà Nội cho biết.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn - Ảnh 3.

Chu Thanh Hà, Trưởng nhóm It’s T time hỗ trợ những người chuyển giới nam ở Hà Nội. Ảnh: SCDI

Bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hồng Hà (Hà Nội): Cộng đồng LGBT cũng phải được hưởng sự công bằng và bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe như tất cả thành viên khác trong xã hội

Những vấn đề về bị kỳ thị trong chăm sóc y tế của cộng đồng LGBT có ở khắp nơi. Tuy nhiên, nó đang được cả xã hội chung tay loại bỏ.

Sau những hoạt động đầy năng lượng của Bệnh viện Da liễu TP HCM trong việc khởi đầu xây dựng không gian bệnh viện thân thiện với cộng đồng LGBT, trong chuỗi đồng hành cùng Afamily bắt đầu từ tháng 6/2020, chúng tôi hết sức vui mừng nhận thấy nhiều bệnh viện công lập, tư nhân và phòng khám khác ở TP HCM và Hà Nội đã và đang nhanh chóng thực hiện bệnh viện thân thiện với LGBT.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn! - Ảnh 4.

Bác Sĩ Nguyễn Tiến Sơn (Ảnh: Hoàng Việt)

Trên hành lang một bệnh viện tại trung tâm Hà Nội, Vũ Huy Dương, 25 tuổi, người chuyển giới nam đã phẫu thuật tạo hình vùng ngực nam giới cho biết bạn đã từng gặp các bác sĩ cư xử rất ấm lòng:

"Các phòng khám tư thì nhiều phòng cũng rất thân thiện. Mình đã đến khám ở phòng khám Tràng An, lúc ấy mình chưa phẫu thuật ngực. Bác bác sĩ lớn tuổi biết mình là người chuyển giới nam thì lúc chụp nhũ ảnh bác đưa mình vào phòng riêng. Lúc khám cho mình thì bác kéo rèm che lại" - Dương kể.

"Bọn mình chẳng cần được ưu đãi đặc biệt gì. Chỉ cần khi biết mình là người nữ yêu nữ mà nhân viên y tế không đổi sắc mặt, không đổi thái độ, vẫn đối xử thân thiện là bọn mình đã biết ơn lắm rồi" - Tiểu Ngư nói.

"Việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đã được luật quy định là phải đảm bảo tính công bằng. Cộng đồng LGBT cũng sẽ phải được hưởng sự bình đẳng và công bằng trong khám chữa bệnh như vậy. Chúng tôi đã và đang cố gắng xây dựng môi trường bệnh viện hết sức thân thiện với tất cả khách hàng nói chung và cộng đồng LGBT nói riêng. Từ tập huấn hướng dẫn giao tiếp ứng xử cho nhân viên trong bệnh viện, cho đến phòng vệ sinh phi giới tính, không ghi biển dành riêng cho nam hay nữ để các bạn chuyển giới có thể sử dụng thuận tiện.

Bệnh viện Hồng Hà là bệnh viện đa khoa, chúng tôi cung cấp cơ bản đầy đủ những dịch vụ chuyên khoa nội, ngoại, sản, da liễu, răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng. Nếu các bạn LGBT có nhu cầu thăm khám và điều trị, xin đảm bảo các bạn sẽ được thụ hưởng một cách bình thường giống như các thành viên khác trong xã hội" – bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc của bệnh viện Đa khoa Hồng Hà (Hà Nội) đưa ra một lời cam kết.

Bác sĩ Trần Bích Châu (thường được biết đến với tên Johnny Chen), Phó giám đốc bệnh viện Hồng Hà đồng thời là người sáng lập Trung tâm giải phẫu thẩm mỹ Hồng Hà, cho hay: Tuy bộ Luật Dân sự sửa đổi 2015 đã có điều khoản quy định hợp pháp hóa việc chuyển giới nhưng 5 năm nay vẫn nằm trên giấy do thiếu luật hướng dẫn. Chính vì vậy người chuyển giới Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: phải sang nước ngoài phẫu thuật với chi phí gấp 3-10 lần trong nước; quá trình hậu phẫu cần theo dõi sát sao thì các bạn đã về nước và rất ít người được chăm sóc hậu phẫu đúng cách.

"Chi phí quá cao nên có những bạn chuyển giới quá bức bối với cơ thể đã chấp nhận làm mọi cách để có tiền sang nước ngoài phẫu thuật" - Dương Tú Anh nói.

"Mọi cách" ở đây nghĩa là làm cả những việc không hợp pháp, hoặc bán dâm. Các mong muốn khác của nhóm chuyển giới nam như phẫu thuật loại bỏ vòng ngực nữ, tạo hình vùng ngực nam giới… có thể được thực hiện dễ dàng ở Việt Nam, nhưng do luật chưa rõ ràng nên các cơ sở y tế tuy vẫn thực hiện nhưng đều phải "né" dưới các tên gọi như "phẫu thuật loại bỏ u nang lành tính" hay "phẫu thuật phì đại tuyến vú".

Khi mang giấy tờ này đến công ty xin phép nghỉ làm đi phẫu thuật, các bạn chuyển giới nam rất khó chịu và lo lắng việc nó bộc lộ điều mà các bạn không muốn chia sẻ.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn - Ảnh 6.

Bác sĩ Trần Bích Châu, Phó giám đốc bệnh viện Hồng Hà đồng thời là người sáng lập Trung tâm giải phẫu thẩm mỹ Hồng Hà - Bác sĩ Châu đang tư vấn cho bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: Hoàng Việt

Một cản trở khác cho người chuyển giới Việt Nam là khi luật chưa công nhận quyền định giới, các bạn thường xuyên bị kỳ thị, thậm chí bạo hành và gánh chịu bất công từ trong trường học đến xã hội.

Trong một khảo sát do Viện iSEE thực hiện vào cuối năm 2015 với 219 người chuyển giới, tỷ lệ bị kỳ thị thường xuyên là 24,2 %. "Thỉnh thoảng" là 62,6%, dưới nhiều hình thức.

Ở góc độ khả năng được bảo vệ trước pháp luật, 16,8 % người chuyển giới từng bị xâm hại tình dục.

Đau lòng là nhiều trường hợp do chính cha mẹ người chuyển giới tiếp tay cho hành động này vì nghĩ con bị lệch lạc hành vi "do tiêm nhiễm văn hóa phương Tây". Họ tìm cách gả, hoặc "bẫy" con vào trường hợp bị ép quan hệ tình dục để "sửa đổi tâm lý và hành vi" (thường xảy ra ở nhóm chuyển giới nam - có cơ thể sinh học là nữ và bị gài cho nam giới cưỡng bức quan hệ tình dục). Một số người chuyển giới nữ cũng bị xâm hại tình dục vì "tò mò".

Với trường hợp bị tạm giam, tạm giữ hoặc khi ở trại giam-vẫn theo khảo sát của iSEE, 42,9% người chuyển giới nữ đã từng bị giam giữ chung với nam giới, mặc dù hơn 35,6% trong số đó đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận cơ thể. Có nghĩa về ngoại hình, những người chuyển giới nữ này đã có ngoại hình phụ nữ (vòng ngực phụ nữ) hoặc đã hoàn toàn phẫu thuật chuyển giới cả bộ phận sinh dục. Việc bị giam giữ chung với nam giới mang đến rất nhiều nguy cơ cho họ.

Cộng đồng LGBT Hà Nội: Đã có bệnh viện thân thiện dành cho các bạn - Ảnh 7.

Lá cờ lục sắc đại diện cho cộng đồng LGBT được dán trên tường tại Bệnh viện Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Việt

Chính vì vậy, việc các bệnh viện công lập, các cơ sở y tế trong nước ngày càng tăng hiểu biết và mong muốn xây dựng không gian bệnh viện an toàn, thân thiện với người đồng tính, song tính và chuyển giới không những thể hiện tinh thần lương y đẹp đẽ nhất, mà còn là những động thái cụ thể góp vào tiến trình vận động luật cho cộng đồng LGBT chung tay xây dựng một xã hội nhân văn và hiểu biết cho tất cả mọi người.

Theo afamily.vn

 
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS