Công khai đồng tính - cú sốc không chỉ riêng một người
Sau nhiều năm vật lộn với việc có nên tiết lộ việc bản thân là người đồng tính cho bố mẹ, Hùng, 31 tuổi, rơi vào trầm cảm, thường xuyên nghĩ đến cái chết.
Buổi tối hai năm trước, Hùng đang ở trong phòng thì bố gõ cửa, bảo có chuyện trao đổi. Ông bước vào phòng với vẻ mặt nặng trĩu, như đang cố kìm ném những cảm xúc bực dọc trong lòng. Một hồi lâu, giọng ông khó nhọc: "Bố đã chết lặng khi hàng xóm bảo phải để ý hơn đến con, có thể 'con thích con trai'. Họ nói vậy là có ý gì?". Ông hướng mắt về phía Hùng, chờ đợi.
Không muốn giấu giếm sự thật đã đeo đẳng gần 10 năm, Hùng hít thở, trả lời:"Con là người đồng tính". Nghe xong, người bố lẳng lặng bước ra và tuyên bố từ mặt con.
Mẹ anh khóc, khuyên giải, bắt buộc Hùng đi "chữa bệnh" để sớm khỏi, sau đó lập gia đình, sinh con cho bố anh nguôi ngoai. Khi không thể lay chuyển tình thế, bà đi xem bói và chi hàng chục triệu đồng để lập "đàn" giải xui, mong con trở lại bình thường. Chứng kiến sự việc, Hùng bế tắc, tìm đến chất kích thích giải sầu, thường xuyên mất ngủ, căng thẳng. Lâu dần, anh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết.
Hùng kể, từ khi còn đi học anh đã nhận thấy bản thân có xu hướng thích các bạn cùng giới. 10 năm trước, anh "come out" (thuật ngữ chỉ hành động hoặc quá trình công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới để được là chính mình) với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng Hùng không dám thể hiện điều đó với cha mẹ, bởi anh là con trai một, ông bà sẽ khó khăn khi chấp nhận sự thật này. Bố mẹ giục anh gặp các cô gái qua mai mối, thường xuyên nhắc đến việc nên lấy vợ sớm để ổn định. Những áp lực đẩy Hùng vào cảm giác căng thẳng, cô đơn, mất kết nối, bên cạnh tâm trạng giằng xé vì không làm trọn bổn phận làm con.
"Nghĩ đến việc cha mẹ có thể sốc, từ mặt hoặc ép lấy vợ cho bằng được khiến mình không biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu", Hùng nói, thêm rằng tình cảnh khiến cuộc sống của anh mắc kẹt, không lối thoát.
Cũng trải qua những tổn thương khi bị gia đình chối bỏ, Lan, 38 tuổi, hiện vẫn phải duy trì thuốc chống trầm cảm và rối loạn lo âu để có thể sinh hoạt như người bình thường. Chị là con một, được sinh ra và nuôi dạy bởi người mẹ đơn thân, vốn rất nghiêm khắc với các tiêu chuẩn truyền thống.
Năm 25 tuổi, sau khi có công việc ổn định, chị công khai giới tính với mẹ và xin chuyển đến sinh sống cùng người yêu. Sau sự kiện này, người mẹ liên tục gặp gỡ, gọi điện chửi mắng con gái, thậm chí đến các cơ quan chức năng tố cáo bạn đời của chị có hành vi "thao túng và lừa đảo".
Những động thái của mẹ khiến Lan bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn, phải vào Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai điều trị. Đến nay, mẹ chị vẫn chưa chấp nhận sự thật, từ bỏ Lan, đồng thời ngăn cấm họ hàng liên hệ với chị.
Các chuyên gia cho rằng gia đình có vai trò rất quan trọng trong hành trình "come out" của những người LGBT. Ảnh: AFP
Hùng, Lan chỉ là hai trong hàng triệu người trong cộng đồng LGBTQIA+ (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual và các cộng đồng khác) trên toàn cầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, những người LGBTQIA+ phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung.
Trong số 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBTQIA+ tham gia khảo sát cấp quốc gia tại Việt Nam trong năm 2021, 42% từng cân nhắc tới việc tự sát. Theo nghiên cứu của Quỹ Phòng chống Tự tử Mỹ năm 2010, cộng đồng LGBT có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và nguy cơ tự tử cao hơn so với những người dị tính. Một phần không nhỏ trong cộng đồng LGBTQIA+ không được đáp ứng nhu cầu về hỗ trợ sức khỏe tâm thần, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Chuyên gia trị liệu Đặng Khánh An, nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Touching Soul Center, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với cộng đồng LGBT, nhận định "come out" là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả của người đồng tính, đặc biệt khi đứng trước gia đình.
Căng thẳng này là nhân tố làm khởi phát các vấn đề sức khỏe tâm thần, bởi đa phần người thân, nhất là cha mẹ sẽ khó lòng chấp nhận ngay, thậm chí nhiều trường hợp xung đột mạnh mẽ, đẩy người đồng tính vào tình thế bế tắc, tìm đến cái chết. Trong khi, sự chấp nhận và ủng hộ của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với người đồng tính trẻ.
Mặt khác, khi người đồng tính phải che giấu thân phận, không được thỏa mãn nhu cầu sống đúng với con người thật, họ nguy cơ gặp các bức bối giới, dễ phát triển thành các rối loạn tinh thần khác như trầm cảm, lo âu.
Chuyên gia Mai Việt Đức khảo sát tại trung tâm trị liệu tâm lý, nơi ông công tác, với trên 500 trường hợp thuộc giới tính thứ ba. Khi thực hiện "come out", tỷ lệ mâu thuẫn với gia đình khoảng 90% ở nhiều cấp độ khác nhau, tỷ lệ sử dụng chất kích thích là 55%, gây rối trật tự công cộng khoảng 5%. Ông Đức cho rằng đây là bước ngoặt cuộc đời nên theo chiều hướng nào đều ảnh hưởng rất lớn tới người đồng tính.
"Không chỉ cộng đồng LGBT mà bất cứ ai trong chúng ta đều có nhu cầu được sống là con người thật của mình", ông Đức nói, thêm rằng chỉ khi trút bỏ được gánh nặng tâm lý về "come out", họ mới hoàn toàn là chính mình.
Cùng quan điểm, bà Lan cho rằng gia đình rất quan trọng quan trọng trong hành trình come out của những người LGBT. Việc công khai bản dạng giới (gender identity) và xu hướng tình dục (sexual orientation) giúp họ sống hạnh phúc, cởi mở và trọn vẹn hơn, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần. Ngược lại, những người phải che giấu bản ngã thật có thể đối mặt với cảm giác căng thẳng, bị cô lập, tự làm hại hay lạm dụng chất gây nghiện.
Sơn Đặng (áo trắng) quỳ gối cầu hôn Việt Hưng khi cả hai hoàn thành cự ly chạy 42 km giải VnExpress Marathon, hôm 18/4. Ảnh: Đức Đồng
Để quá trình "come out" với gia đình được suôn sẻ, các chuyên gia khuyên những người thuộc giới LGBT cần chủ động lên kế hoạch, trong đó có kịch bản người thân sẽ chịu cú sốc lớn khi biết sự thật.
"Bạn nên đặt các giả thiết để có thể chủ động phản ứng. Trước hết, hãy đặt các câu hỏi thăm dò ba mẹ về việc này", bà Lan khuyên, thêm rằng nên thu thập tài liệu liên quan đến kiến thức về cộng đồng LGBT để cung cấp cho cha mẹ biết và hiểu. Ngoài ra, mỗi người nên có kế hoạch dự phòng nếu việc bộc lộ bản giới thật không thuận lợi. Ví dụ, cần có phương án việc làm, tài chính và chỗ ở nếu bị người thân đuổi khỏi nhà. Kiên trì đợi cơn tức giận của cha mẹ giảm, dần dần tìm cách thuyết phục.
Với các phụ huynh, ông Đức khuyên hành trình chấp nhận bản dạng giới thật của con thực sự khó khăn, mỗi người cần kiên nhẫn với bản thân. Chuyên gia khuyên cha mẹ nên bình tĩnh, đối thoại cởi mở và tìm tòi, học hỏi thêm. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm đến những biểu hiện khác lạ của con, không nên ép trẻ phải sống với giới mà các em không muốn, là người đồng hành để con cái không bị tổn thương,
"Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự yêu thương và tôn trọng từ gia đình sẽ là chỗ dựa, bệ đỡ cho đời sống tinh thần của những người LGBT, không đẩy họ vào tình huống phải chủ động tìm đến cái chết", ông Đức cho hay.
Thúy Quỳnh - Như Ngọc(vnexpress.net)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới