Tốt nhất nên ăn hơn 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, thay đổi bữa để ăn ngon miệng, nên chia khẩu phần thành nhiều bữa. Với mỗi nhóm chất bột đường, chất xơ, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất nên chú ý lựa chọn cân bằng giữa các thành phần.

Dinh dưỡng ngăn ngừa bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Người bệnh đái tháo đường cần tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày, chất xơ có nhiều trong các thực phẩm như trái cây (loại ít ngọt), rau củ quả… (ảnh minh họa từ Internet)

Ở nhóm chất bột đường, cần hạn chế các thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, khoai tây chiên, kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh… Nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều carbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ… để giữ mức đường trong máu ổn định do thực phẩm loại này tiêu hóa chậm, giúp no lâu hơn, do đó ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin.

Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày, chất xơ có nhiều trong các thực phẩm như trái cây (loại ít ngọt), rau củ quả… Chất xơ có tác dụng làm giảm đáp ứng glucose máu và insulin bằng cách kìm hãm thủy phân tinh bột và hấp thu glucose, lưu thức ăn ở dạ dày lâu hơn và cải thiện độ nhạy cảm của insulin làm giảm nhanh mức đường trong máu.

Tránh chất béo bão hòa, chất béo thể trans (sản phẩm bơ sữa toàn phần và mỡ động vật, các đồ chiên), thay bằng chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu đậu nành… Ưu tiên sử dụng các axít béo omega-3 hỗ trợ não và sức khỏe tim mạch (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ).

Đồ uống có cồn (rượu, bia), các loại nước ngọt có gaz cần hạn chế. Nên ăn có chừng mực, không nên ăn quá no hoặc để quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều, không nên bỏ ăn sáng.

Cần thực hiện lối sống tích cực, phòng tránh thừa cân béo phì, tăng cường hoạt động thể lực, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng, stress…

Theo nld.com.vn