CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Làm gì để trả lại sự công bằng cho học sinh LGBT?

Đây không phải là lần đầu tiên…

Vừa qua, một trường THCS và THPT Việt Anh có cơ sở tại quận Bình Tân và quận Phú Nhuận - TP HCM đã đưa ra quy chế tuyển sinh chính thức bằng văn bản cho năm học 2016-2017. Theo đó, trong quy chế tuyển sinh năm học mới, bên cạnh những nội dung khác, thì trường sẽ không nhận học sinh đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm vào ở nội trú.

Ngay cả sau khi đã nhận vào trường, nếu phát hiện học sinh thuộc một trong những diện kể trên thì học sinh đó buộc phải rút khỏi trường.

Quy chế này khi đưa ra đã khiến nhiều người xôn xao vì cho rằng nhà trường có dấu hiệu kì thị đối với cộng đồng LGBT. Trả lời câu hỏi của báo chí, rằng dựa vào cơ sở nào để xác minh học sinh đó có đồng tính hay không thì Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận biết bằng cảm tính vì không thể bắt học sinh đi kiểm tra tại cơ sở y tế”.

Đây không phải là lần đầu tiên, ở Việt Nam cũng như trên thế giới học sinh thuộc cộng đồng LGBT bị kỳ thị, phân biệt. Tháng 4/2016, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã công bố những con số về bạo lực giới ở trường học cho thấy,  tại Thái Lan, học sinh chuyển giới nữ thường bị gọi bằng những tên gọi mang dụng ý nhạo báng, bị quấy rối tình dục; học sinh chuyển giới nam thường bị đe dọa và bạo lực thể chất.

Tại Việt Nam, 41% học sinh LGBT bị phân biệt đối xử và bạo lực tại trường học hoặc đại học, 70% học sinh bị gọi bằng những cái tên chế giễu, 38% học sinh  bị đối xử không công bằng, 19% học sinh bị đánh, 18% học sinh bị lạm dụng tình dục.

Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã tiến hành cuộc điều tra với 520 người đồng tính, song tính và chuyển giới cho thấy, khoảng 41% trong số này phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và bạo lực ở nhà trường phổ thông hoặc đại học.

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của Bộ GD-ĐT và UNESCO về bạo lực trên cơ sở giới liên quan đến nhà trường tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng cho thấy một bộ phận học sinh vẫn coi việc trêu chọc, bắt nạt các bạn LGBT là “trò đùa vô hại” (19% đồng ý). Hầu hết các em LGBT tham gia phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đều trả lời mình đã từng ít nhất một lần bị bạo lực về mặt tinh thần trong nhà trường như bị nói xấu, kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc cô lập.

Khảo sát sơ bộ được Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) thực hiện với 3.214 người LGBT tại Việt Nam chủ yếu trong độ tuổi đến trường ở bậc THPT và ĐH, CĐ, 40% các bạn sinh năm 1993 – 1995, cho thấy 44% các bạn LGBT gặp kỳ thị ở môi trường học đường, xếp thứ 2 sau môi trường ngoài xã hội (47%).  

Các hình thức kỳ thị phổ biến mà các bạn trẻ LGBT thường gặp ở trường học là bị bạn bè chọc ghẹo; bị giáo viên đánh giá học tập không công bằng; bị giáo viên, nhân viên la mắng, xúc phạm; bị ép buộc cách ăn mặc…

Làm gì để hóa giải nhận thức sai lệch về học sinh LGBT?

Phân tích về nguyên nhân bạo lực giới ở trường học cũng như bạo lực với đối tượng học sinh thuộc cộng đồng LGBT, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA cho rằng vì các quan niệm bất bình đẳng giới ăn sâu đối với trẻ; các chuẩn mực xã hội truyền thống chấp nhận và dung túng cho bạo lực; việc chấp nhận kỷ luật giữa phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh còn lỏng lẻo; môi trường gia đình và trường học không an toàn hoặc chưa thực sự an toàn với trẻ; cơ chế bảo vệ và phòng chống bạo lực trong cộng đồng và nhà trường còn yếu.. 

Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu gồm PGS. TS. Trần Huy Hoàng, Bùi Thanh Xuân (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và Vũ Kiều Châu Loan (Tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính) cũng cho rằng, trong nhà trường vẫn tồn tại sự hiểu lầm và nhận thức sai lệch về LGBT như: chỉ cần nhìn bề ngoài là biết được ai đồng tính, ai chuyển giới, LGBT là những người không bình thường, lệch lạc về hành vi, thậm chí là bệnh không thể chữa khỏi do gien di truyền hoặc do lây nhiễm từ bạn bè, người đồng tính, chuyển giới trông khác người, nên việc bị trêu chọc, bắt nạt cũng là điều dễ hiểu…

Từ thực tế này một câu hỏi đặt ra là nên can thiệp trực tiếp từng trường hợp cụ thể, nhà trường cụ thể hay áp dụng kiến thức chung để tư vấn phòng ngừa? Theo bà Vũ Kiều Châu Loan việc tư vấn phòng ngừa là hết sức quan trọng, tuy nhiên để làm được điều này thì đối với nhà trường, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về các vấn đề giới, giới tính, đa dạng giới; xây dựng các nội dung tư vấn tâm lý phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đa dạng hóa các loại hình tư vấn…

Ông Trần Khắc Tùng - Giám đốc Trung tâm ICS cũng cho rằng nhà trường cần được cung cấp các kiến thức khoa học về LGBT cho Ban giám hiệu, giáo viên và cả phụ huynh để có phương pháp phù hợp hỗ trợ các học sinh thuộc nhóm LGBT giúp các em tránh bị kỳ thị.

Về quan điểm và lý thuyết là vậy, tuy nhiên để hiện thực được điều này trong thực tế các nhà trường hiện nay thì vẫn là một câu chuyện dài cần nhiều nỗ lực. Tuy nhiên đã có một tín hiệu đáng mừng rằng Hội phụ huynh có con là người LGBT tại Việt Nam đã được thành lập.  Bên cạnh xã hội, nhà trường, gia đình là môi trường kỳ thị thứ ba đối với người LGBT.

Chính việc áp dụng phương pháp tư vấn phòng ngừa của một loạt các tổ chức xã hội trong lĩnh vực này đã giúp cho những người cha người mẹ từng ngỡ ngàng, tuyệt vọng về con mình thay đổi và đứng lên lập ra Hội phụ huynh có con là người LGBT tại Việt Nam (PFLAG - Parent and Friends of Lesbian and Gay) dưới sự hỗ trợ của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam). 

Trong giai đoạn 2015-2018, ngoài các hoạt động xã hội giúp chia sẻ với người thân của người trong cộng đồng LGBT, PFLAG sẽ liên minh với các đối tác cùng tham gia đối thoại với Chính phủ và Quốc hội để xây dựng luật và chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT.

Hồng Minh(Báo Pháp Luật)
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS