LGBT
Hàng trăm chiếc khăn choàng màu oải hương nhuộm tím đường phố, cất lên tiếng nói về bình đẳng giới.
Sắc tím đang xuất hiện nhiều trong cuộc diễu hành hay sự kiện mừng Tháng Tự hào (Pride Month) của người đồng tính, song tính, chuyển giới trên khắp thế giới. Sắc màu pha trộn giữa hồng (đại diện cho nữ) và xanh (đại diện cho nam) từ lâu thành biểu tượng cho LGBT, trong đó được sử dụng nhiều nhất là tím oải hương và tím đậm (violet).
Màu tím gắn liền lịch sử đấu tranh của cộng đồng LGBT từ cuối thế kỷ 19. Thập niên 1930, màu sắc này đại diện sự kỳ thị đồng tính luyến ái ở Mỹ, khởi đầu từ việc Carl Sandburg - người chép tiểu sử Abraham Lincoln - mô tả những tình bạn nam thuở thiếu thời của tổng thống "như nhành oải hương, nhẹ nhàng tựa violet tháng 5". Sau này, cụm từ "nhành oải hương" hay "chàng trai oải hương" thành tiếng lóng chỉ người đàn ông ẻo lả, yếu đuối.
Tím thành màu đặc trưng trong Tháng tự hào của người đồng tính. Ảnh: Reuters.
Năm 1953, tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ký sắc lệnh 10450, nghiêm cấm người đồng tính làm việc trong nhà nước. Hơn 5.000 người đã bị khủng bố tinh thần, mất việc tại các cơ quan liên bang bởi giới tính, trong đó có cả nhà thầu, quân nhân. Nhà sử học David K. Johnson đặt tên cho giai đoạn này là "The lavender scare" (Cuộc khủng hoảng oải hương) trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 2004.
Cuối tháng 7/1969, bạo loạn Stonewall nổ ra, đám đông biểu tình dùng hàng trăm chiếc khăn và băng tay tím oải hương, diễu hành từ công viên Washington Square tới Stone Wall. Họ phản đối cảnh sát New York vây bắt người đồng tính, drag queen (người namgiả nữ), chuyển giới ở quán rượu Stonewall một tháng trước đó.
Một năm sau cuộc bạo động này, màu tím oải hương một lần nữa được nhà văn Betty Friedan nhắc tới khi cho rằng người đồng tính nữ ngăn cản sự phát triển phong trào nữ quyền. Bà bị chỉ trích khi gọi cộng đồng này là Lavender Menace (Mối nguy màu oải hương). Cùng năm, tại đại hội lần hai của tổ chức Unite Women, một nhóm nhà hoạt động xã hội cấp tiến mặc áo tím in dòng chữ "Lavender Menace", nêu quan điểm chống đàn áp đồng tính nữ.
Hình ảnh những người phụ nữ diện áo mang dòng chữ "Lavender Menace" ở thập niên 1970 trong phim tài liệu "She’s Beautiful When She’s Angry" của Mary Dore. Ảnh: IFC.
Năm 1978, tím là một trong tám màu xuất hiện trên lá cờ của cộng đồng LGBT do nghệ sĩ đồng tính Gilbert Baker thiết kế. Qua nhiều thay đổi, lá cờ được rút xuống sáu màu, trong đó màu tím đại diện cho vẻ đẹp tinh thần, sự nhiệt huyết, xuất hiện rộng khắp các cuộc diễu hành của người đồng tính.
Màu tím còn để chỉ những cuộc hôn nhân che đậy giới tính, bạn tình thật sự trước dư luận, gọi là "Lavender marriage" (hôn nhân hoa oải hương hay hôn nhân màu tím). Trong những năm 1920-1930, chuyện này xảy ra ở nhiều cặp vợ chồng Hollywood. Điển hình, tài tử Rock Hudson cưới Phyllis Gates - một phụ nữ trẻ làm việc trong phim trường - vì lo sợ tạp chí Confidential công khai ông đồng tính. Sau này, "Lavender marriage" được đề cập đến trong bộ phim Hỷ yến năm 1993 của đạo diễn Lý An xoay quanh cuộc hôn nhân giữa hai người Mỹ gốc Hoa.
Màu tím bắt đầu mang ý nghĩa về giới từ thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, khi nữ nhà thơ Hy Lạp Sappho sử dụng hình ảnh vương miện violet để bày tỏ niềm yêu thích những người con gái trẻ. Tuy nhiên, ý nghĩa này không phổ biến. Thay vào đó, sắc tím thường gợi sự cao quý, quyền lực trong văn hóa phương Tây.
Không chỉ là màu tượng trưng cho sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người đồng tính, tím còn là sắc màu ấn tượng của thời trang.
Diễn viên kiêm nhà văn Quentin Crisp (25/12/1908 - 21/11/1999) - một trong những người đầu tiên công khai đồng tính - nổi tiếng với mái tóc tím. Ông đã lấy màu hoa oải hương làm sắc chủ đạo cho tiệc sinh nhật thứ 90. Ngôi sao Mariah Carey, Bebe Rexha, rapper Lilly Singh... thường mặc màu tím trong các ngày lễ của GLAAD (tổ chức phi chính phủ của Mỹ được thành lập bởi những người LGBT), hoặc sự kiện nhằm phản đối nạn kỳ thị giới.
Tím phổ biến trong thời trang từ thế kỷ 19 trong một phát minh tình cờ về thuốc nhuộm tổng hợp. Trong khi nghiên cứu sản xuất thuốc chống sốt rét giá rẻ, sinh viên William Henry Perkin vô tình tạo ra màu hóa học. Kể từ đó, phụ nữ thường mặc váy trang trí lông nhung hoặc họa tiết hoa tím, trong khi đàn ông mặc suit đen với áo lót màu oải hương.
Tím là xu hướng trong hai năm nay. Sự hồi sinh màu sắc được dự báo trong Met Gala 2019, khi biên tập viên thời trang tạp chí Vogue Mỹ Hamish Bowles và thành viên nhà Kardashian - Kylie Jenner - đều sử dụng tông tím làm chủ đạo trong trang phục. Mùa mốt Xuân Hè 2020 cũng chứng kiến sự lên ngôi của sắc tím tử đinh hương (lilac) trên váy ren lấy cảm hứng từ thế kỷ 17 của Loewe, trang phục pastel mềm mại của Max Mara, minidress xếp tầng trên sàn diễn Valentino hay váy voan của nhà Marc Jacobs.
Nhà sử học Kassia St Clair nói về sự trở lại của màu tím trên CNN: "Thời trang có sự quay vòng. Màu sắc lâu ngày không xuất hiện trước mắt công chúng thường được nhà mốt chọn lại. Sự đứt quãng giúp họ cảm thấy tươi mới".
Bảo Ly (theo CNN)
Theo vnexpress.net
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới