Loại rau thơm quen thuộc ngày Tết có nhiều công dụng chữa bệnh ít ai ngờ
Rau mùi (Coriandrum sativum L.) là một loại gia vị khá quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Theo truyền thống của người Việt, vào ngày cuối cùng của năm cũ, người ta thường chuẩn bị một nồi nước lá mùi già để tắm với niềm tin rằng, hương thơm nồng nàn và ấm áp từ mùi già sẽ trút bỏ những điều không may mắn, nỗi muộn phiền trong tâm tư để sẵn sàng đón nhận những niềm vui của năm mới.
Tuy nhiên, theo TS. lương y Phùng Tuấn Giang ngoài giá trị về ẩm thực, rau mùi còn là một loại thảo dược nổi tiếng ở nhiều quốc gia nhờ chứa nhiều hoạt chất quý có tác dụng đối với hệ tiêu hóa, hạ đường huyết, hạ lipid máu…
Bởi theo TS Phùng Tuấn Giang đến nay, nhiều hợp chất khác nhau đã được xác định trong từng bộ phận của cây, nhưng chủ yếu là lá và hạt. Các đặc tính chữa bệnh và giá trị dinh dưỡng của rau mùi là do sự hiện diện của nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như lipid, sterol, tocol, tinh dầu và các hợp chất phenolic.
|
Không chỉ tắm tất niên, loại rau thơm quen thuộc ngày Tết chứa nhiều công dụng chữa bệnh |
Thành phần lipid trong hạt mùi khô chiếm khoảng 19,24-28,4%, chủ yếu là lipid trung tính (chiếm 94,88% trong tổng số lipid). Các axit béo chính được xác định trong hầu hết các lớp lipid là petroselinic (65,70-80,9%) và axit linoleic (13,05-16,70%).
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của axit oleic (0,20-7,85%), palmitic (0,10-3,96%), axit stearic (0,78-2,91), palmitoleic (0,41-1,1%), α-linolenic và arachidic (0,10-0,25%).
Trong lá mùi, các axit béo không bão hòa chiếm ưu thế, chủ yếu là α-linolenic (39,4-41,1%), ngoài ra còn có linoleic, axit heptadecenoic, palmitic, một lượng nhỏ axit oleic, stearic, stearidonic, cis và trans-palmitoleic. Lá mùi còn chứa một lượng β-carotene (tiền chất vitamin A), chiếm 61,14% lượng carotenoid được phát hiện trong chiết xuất ether.
Dầu hạt mùi chứa sterol đóng vai trò quan trọng trong ức chế sự hấp thu cholesterol từ thức ăn, với thành phần chính là stigmasterol và β-sitosterol. Trong lá chứa hàm lượng tinh dầu ít hơn so với hạt (0,06-0,12%).
“Từ phần trên mặt đất của rau mùi phân lập được 21 hợp chất phenolic, chủ yếu thuộc các nhóm flavonoid, coumarin và axit phenolcarboxylic như: apigenin, luteolin, hyperoside, hesperidin, vicenin, diosmin, orientine, dihydroquercetin, chrysoeriol, catechin, axit ferulic, axit gallic...
Trong các giống hạt mùi khác nhau người ta cũng tìm được 11 axit phenolic gồm axit gallic, chlorogenic, cafeic, vanillic, p-coumaric, ferulic, rosmarinic, o-coumaric, trans-hydroxycinnamic, axit salycilic và trans-cinnamic và 10 flavonoid là quercetin-3-rhamnoside, rutin trihydrate, luteolin, quercetin dihydrate, resorcinol, kaempferol, naringin, apigenin, flavone và coumarine”, TS Phùng Tuấn Giang thông tin.
Song song với ứng dụng của y học cổ truyền, TS Phùng Tuấn Giang cũng nhấn mạnh nhiều nghiên cứu dược lý đã cung cấp thêm các bằng chứng về tác dụng của rau mùi
Cụ thể:
Tác dụng trên hệ tiêu hóa: tác dụng kích thích tiêu hóa của rau mùi được cho là tương tự các loại gia vị khác thông qua khả năng kích thích gan bài tiết mật, đồng thời làm tăng cường hoạt động của các enzym tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn như lipase tuyến tụy, amylase và protease…
Do đó, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ lipid, glucid và protid từ thức ăn. Chiết xuất rau mùi còn có tác dụng bảo vệ dạ dày chống lại những tổn thương mô bệnh học và loét do các tác nhân như NaCl, NaOH, ethanol, indomethacin gây ra ở chuột, ngoài ra còn có hoạt tính ức chế đáng kể vi khuẩn Helicobacter pylori.
Tác dụng hạ đường huyết: tác dụng này được nghiên cứu rất nhiều trên động vật cũng như lâm sàng. Kết hợp bột hạt mùi trong chế độ ăn uống giúp giảm rõ rệt lượng glucose và tăng mức insulin trong máu chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Đồng thời, việc bổ sung bột hạt rau mùi còn có tác dụng chống ôxy hóa, hạn chế được sự thoái hóa đảo tụy của chuột bị tiểu đường thông qua ức chế quá trình tổn thương peroxy hóa, kích hoạt lại đáng kể các enzym chống ôxy hóa, làm tăng mức độ chống ôxy hóa, khử các gốc tự do như superoxit và hydroxyl theo cách phụ thuộc vào nồng độ. Bổ sung bột cao khô hạt mùi hàm lượng 1 và 3% (kl/kl) vào chế độ ăn giàu chất béo của chuột trong 12 tuần giúp ngăn chặn đáng kể sự gia tăng trọng lượng cơ thể, mức glucose máu lúc đói, sự đề kháng insulin, nồng độ triglycerid, cholesterol toàn phần, axit béo tự do trong huyết tương, làm giảm đường kính và số lượng tế bào mỡ.
“Chiết xuất rau mùi liều 100 mg/kg thể trọng kết hợp với luyện tập sức bền làm giảm đáng kể lượng đường lúc đói, giảm đề kháng insulin và chỉ số HbA1c ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Sự kết hợp này cũng làm giảm các chỉ số lipid máu như LDL, VLDL, triglycerid và cholesterol; tăng chỉ số HDL của chuột mắc bệnh tiểu đường. Chiết xuất methanol hạt mùi liều 200 và 400 mg/kg cũng có tác dụng tương tự.”, TS Lương y Phùng Tuấn Giang cho hay.
Chiết xuất ethanol của hạt mùi ở liều 200 và 250 mg/kg làm giảm đáng kể nồng độ glucose huyết tương và giúp tăng giải phóng insulin từ các tế bào beta của đảo tụy ở chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Chiết xuất ether dầu hỏa của hạt mùi làm giảm thiểu bệnh thận đái tháo đường ở chuột bị tiểu đường typ 2 do Streptozotocin (STZ) và nicotinamide (NAD) gây ra. Với liều 100, 200 và 400 mg/kg trong 45 ngày làm giảm đáng kể các thông số sinh hóa bị tăng cao như glucose, lipid và creatinin huyết thanh.
Tinh dầu hạt mùi còn giúp giảm đáng kể lượng glucose huyết thanh chuột bị tiểu đường từ 162,5±3,19 (mg/dl) xuống còn 72,96±1,73 (mg/dl) và tăng mức enzym chống ôxy hóa glutathione peroxidase từ 59,72±2,78 (u/g Hb) đến 124,83±2,31 (u/g Hb), đồng thời có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với thận và tụy so với những con chuột không được điều trị.
Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy, rau mùi có hoạt tính hạ đường huyết đáng kể ở liều cao và có thể kết hợp thành công với thuốc hạ đường huyết dạng uống ở bệnh nhân bị tiểu đường tuyp 2 khi mà tình trạng đường huyết không được kiểm soát nếu bệnh nhân chỉ dùng đơn lẻ các thuốc này.
Trong một nghiên cứu khác, sử dụng hạt mùi (5 g/ngày) cho bệnh nhân tiểu đường có lượng đường huyết cao trong thời gian dài trong 60 ngày làm giảm đáng kể quá trình peroxy hóa lipid, ôxy hóa protein, tăng β -caroten, vitamin A, E và C trong huyết thanh của bệnh nhân. Việc điều trị cũng làm tăng hoạt động của enzym chống ôxy hóa hồng cầu như glutathione -S-transferase (GST) và giảm hàm lượng glutathione (GSH) ở bệnh nhân.
Tác dụng hạ lipid máu: sử dụng lá mùi tươi liều 100 mg/kg thể trọng trong 3 tuần làm giảm đáng kể tình trạng nhồi máu cơ tim ở thỏ do salbutamol gây ra thông qua làm giảm mức LDL-cholesterol, triglyceride và peroxidase trong huyết thanh, đồng thời tăng mức HDL-cholesterol cùng với các enzym chống ôxy hóa. Chiết xuất methanol 70% của rau mùi liều 500 mg/kg/ngày làm giảm các chỉ số cholesterol toàn phần, phospholipid, triglycerid, LDL-cholesterol và VLDL-cholesterol, đồng thời làm tăng chỉ số HDL-cholesterol trong máu, tăng bài tiết cholesterol và phospholipid qua phân ở thỏ bị tăng lipid máu. Phân tích mô học cho thấy chiết xuất này cũng làm giảm sự lắng đọng các cholesterol ở động mạch chủ của động vật nghiên cứu. Rau mùi với liều 1 g/kg thể trọng làm giảm nồng độ cholesterol và triglycerid trong cả giai đoạn tổng hợp và bài tiết ở chuột bị tăng lipid máu do triton gây ra. Kết quả này cho thấy, rau mùi có thể làm giảm hấp thu và tăng cường phân hủy lipid.
Ngoài những tác dụng trên, có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh về tác dụng tăng cường trí nhớ, chống co giật, chống trầm cảm, giải lo âu, bảo vệ thần kinh, kháng u, giảm đau, chống viêm… của cây rau mùi, cho thấy tiềm năng chữa bệnh trong nhiều lĩnh vực của loại gia vị quen thuộc này.
N. Huyền(vietnamnet.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- 9 lợi ích sức khỏe của việc uống nước dừa trong mùa nắng nóng
- 10 lợi ích sức khỏe đáng khám phá của đậu cô ve
- 4 thực phẩm tác dụng bổ thận tráng dương
- Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư
- Loại quả mùa hè thơm ngon bổ dưỡng, giúp ngừa bệnh tiểu đường và giảm mỡ máu, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ
- Ăn dưa hấu thường xuyên trong mùa nóng, chuyện gì xảy ra với sức khỏe?
- 1 loại quả bán rẻ ở chợ Việt là cứu tinh cho người giảm cân, lại giúp hạ đường huyết
- Loại rau bán rẻ nhất chợ, quý ngang nhân sâm, người Việt nên ăn thường xuyên để sống thọ
- 7 món tránh ăn uống buổi sáng khi bụng đói
- Với chỉ 2 tách cà phê mỗi ngày, nguy cơ tái phát ung thư ruột thấp hơn tới 32%
- 3 điều bất ngờ khi bạn ăn miến thường xuyên, đây là 2 thời điểm không nên ăn miến vì gây hại dạ dày
- Bất ngờ 7 nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn rau mùi