Người đồng tính Thái Lan mòn mỏi chờ kết hôn
Đối với Permsap Dao Sae-Ung (Dao) và Puangphet Phet Hengkham (Phet), lễ hội Songkran năm nay không chỉ là Tết cổ truyền của Thái Lan mà còn là dịp kỷ niệm 14 năm họ bắt đầu tình yêu đồng giới.
Sinh ra là nữ, cả 2 lựa chọn yêu thương và chung sống với nhau như bao cặp vợ chồng dị tính khác ở xứ sở chùa tháp. Họ mở một tiệm cà phê nhỏ ở thị trấn Pai, tỉnh Mae Hong Son, được đôi bên gia đình, bạn bè chấp nhận và ủng hộ.
Thế nhưng dù cuộc sống đã kéo dài ổn định, bình yên qua hơn một thập kỷ, mối quan hệ của Dao và Phet vẫn không được chính quyền công nhận. Tại Thái Lan, các cặp đồng giới không thể kết hôn hợp pháp.
"Như người dưng trong mắt pháp luật"
Theo Bangkok Post, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định hôn nhân chỉ được giao kết giữa nam và nữ.
Hơn nữa, các cặp đồng giới không được thừa nhận quyền và lợi ích hợp pháp như cặp hôn nhân truyền thống. Điều này có nghĩa họ không thể thực hiện các hoạt động pháp lý hoặc có tài chính chung như một cặp vợ chồng, chẳng hạn như việc vay tiền từ ngân hàng để mua nhà.
"Không được phép kết hôn, chúng tôi chỉ là 2 người dưng trong mắt pháp luật. Cộng đồng LGBTQ tại Thái Lan vẫn bị phân biệt đối xử và tước đi quyền lập gia đình. Chúng tôi thậm chí còn không thể đóng vai trò là người thân để cam kết hoạt động y tế thay cho vợ/chồng của mình trong trường hợp khẩn cấp", Dao nói.
Cách đây 7 năm, cặp đồng giới trên từng gặp tình huống như vậy. Đó là khi Phet bị thương nặng sau một vụ tai nạn và cô phải phẫu thuật gấp. Mặc dù Dao có mặt tại bệnh viện, cô không thể lấy danh nghĩa nhân thân ký giấy cam kết.
"Tôi rất tức giận vì không thể làm gì để cứu người bạn đời của mình. Tôi phải chạy xe đi rất xa, đến tận Chiang Mai đón mẹ của Phet đến bệnh viện. Có như thế, Phet mới được phẫu thuật. Đó chính là thời điểm tôi bắt đầu quyết tâm vận động cho quyền bình đẳng hôn nhân của những người đồng tính ở Thái Lan", Dao kể lại.
Tháng 11/2019, Dao và Phet nỗ lực đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp để yêu cầu phán quyết về quy định kết hôn dành cho cộng đồng LGBTQ.
Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng.
Hai năm sau, tòa án đưa ra khẳng định: quy định của Bộ luật Dân sự và Thương mại cho biết việc cấm các cặp đồng tính kết hôn là không vi phạm quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử bất công vì giới tính.
Nỗ lực bị trì hoãn
Thái Lan được cho là đất nước cởi mở và thân thiện với cộng đồng LGBTQ. Tuy nhiên, các cặp đồng giới tại đây vẫn không thể kết hôn hợp pháp do sự phản đối từ một bộ phận có tư tưởng bảo thủ trong bộ máy chính quyền cũng như các tổ chức tôn giáo.
Không riêng Dao và Phet, rất nhiều cặp đồng giới khác cũng đang phải đối mặt những trở ngại do chung sống mà không được pháp luật thừa nhận.
Nada Chaiyajit, một thành viên của đảng chính trị Thai Sang Thai về quyền LGBTQ, cho biết Thái Lan chứng tỏ với thế giới rằng mình là quốc gia thân thiện với LGBTQ, nhưng thực tế lại cho thấy chính phủ không hề có ý định thúc đẩy quyền và sự bình đẳng cho những người dân thuộc cộng đồng này.
"Trong hơn một thập kỷ qua, cộng đồng LGBTQ đã nỗ lực để được quyền kết hôn nhưng không một chiến dịch nào của họ đạt được bước tiến dài", bà Nada nói.
Trong khi đó, bà Chompoonute Nakornthap, người hỗ trợ soạn thảo Dự luật Đối tác dân sự Thái Lan, cho biết các nhà chức trách đã thực sự có ý định hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới mặc cho vẫn tồn tại những phức tạp liên quan đến tôn giáo, truyền thống và tài chính của đất nước.
Tuy nhiên, bà Chompoonute thừa nhận dự luật mới sẽ không thể cho phép cặp đồng giới có đầy đủ quyền lợi như các đôi vợ chồng thông thường.
"Dự luật này có nhiều khả năng sẽ được thông qua vì nó không liên quan nhiều đến tài chính nhà nước. Tôi mong người dân sẽ chấp nhận dự luật và chúng ta có thể sửa đổi nó về sau", bà nói.
Theo Bangkok Post, các nhóm vận động trong nước không phải là tập thể duy nhất yêu cầu chính quyền hành động vì quyền lợi LGBTQ. Bà Nada cho biết cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng thúc giục chính phủ Thái Lan phải lắng nghe "Đánh giá định kỳ toàn cầu (UPR) về bình đẳng hôn nhân".
"Trong vòng đàm phán thứ 3 của UPR tại Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái, quyền LGBTQ và bình đẳng trong hôn nhân là những vấn đề về nhân quyền được đưa ra thảo luận. Pháp, Iceland, Luxembourg và Hà Lan đề nghị Thái Lan sửa đổi Bộ luật Dân sự và Thương mại để các cặp đồng tính có quyền lợi như cặp dị tính", bà nói.
Theo bà Nada, việc một đất nước chọn "chấp nhận" với UPR có nghĩa là họ đã sẵn sàng để hành động. Nếu họ chọn "ghi chú", điều này không có nghĩa là từ chối mà cho thấy chính phủ chưa thật sự sẵn sàng hoặc không sẵn sàng giải quyết các vấn đề được đưa ra.
"Không thể đảm bảo chính phủ sẽ ban hành luật bình đẳng hôn nhân, nhưng chúng ta nên nhớ rằng cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi và ủng hộ bình đẳng giới ở Thái Lan", bà nói thêm
Theo ZingNews.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới