Phẫu thuật chuyển giới - những bí mật chưa kể - Kỳ 5: Mẹ ơi, con đã là con gái
TTO - Kaycee Chung quyết tâm đi Thái Lan phẫu thuật chuyển giới khi vừa tròn 18 tuổi. Ngày về, người xoa dịu nỗi đau thể xác và cả tâm hồn cho cô cũng lại là mẹ cô, người từng phản đối con chuyển giới.
Có nhiều người đàn ông làm tôi tổn thương khi họ nói chuyện với tôi rất nhiều mà mục đích cuối cùng là đặt thẳng vấn đề rất thô thiển. Họ muốn thỏa mãn tò mò mà không để ý đến cảm giác của tôi.
Kaycee Chung
Cô học trò đặc biệt
Năm 15 tuổi, Kaycee may mắn được nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Đỗ Mạnh Cường mời diễn show thời trang với vai trò người mẫu lưỡng tính. Kể từ đó, cô nàng bắt đầu bén duyên người mẫu thời trang, thường diễn các trang phục nữ và trang điểm nữ tính.
Kaycee thích mê công việc này, vì ở đó bản tính nữ trong cô được sống dậy, điều mà trước đó cô còn e dè, chỉ dám sống như một chàng gay (nam có tình cảm với nam), thay vì thừa nhận mình là người chuyển giới.
Không chỉ sống thật trên sàn diễn, khi đến trường, Kaycee cũng bắt đầu để tóc dài. "Lúc tóc tôi dài tới ngang vai, các bạn nam bắt đầu tị nạnh. Vì theo nội quy trường, bọn con trai sẽ không được nuôi tóc dài theo ý thích. Ban giám hiệu gọi tôi lên làm việc. Cuối cùng, tôi phải mua bộ tóc nam giả để đội mỗi khi vào lớp.
Thầy chủ nhiệm cũng cho phép tôi được mặc áo dài, nhưng tôi thấy bản thân mình chưa hoàn thiện, sợ làm xấu hình ảnh đẹp của chiếc áo dài, nên vẫn mặc đồ con trai đến trường", Kaycee nhớ lại thời cấp III của mình.
Kaycee là một học sinh rất đặc biệt của Trường THPT Trần Hữu Trang (TP.HCM) luôn nhận được sự chú ý cũng như chăm sóc đặc biệt của nhà trường. Thầy cô rất thương Kaycee, họ hay nói với nhau về cô bé: "Con bé này vừa đi học, vừa đi làm. Nó là đứa có đam mê và dám theo đuổi đam mê".
Kaycee kể tiếp: "Những lúc có bài kiểm tra trùng lịch đi diễn, thầy cô thông cảm và cho em có cơ hội làm bài kiểm tra thay thế sau đó, thay vì bị điểm 0".
Cha im lặng, mẹ từ mặt
Năm 2019, tròn 18 tuổi, Kaycee quyết định sang Thái Lan chuyển giới để trở thành con gái như mình mơ ước. Lúc trước nghe Kaycee thổ lộ với gia đình về xu hướng tình cảm đồng giới của mình, ba mẹ cô đều không vui. Tuy nhiên, mẹ là người vẫn luôn âm thầm ủng hộ cô, từ tinh thần, tình cảm cho tới công việc. Riêng ba cô luôn giữ thái độ im lặng.
"Khi tôi nói với mẹ về việc đi chuyển giới, vừa nghe qua là mẹ đã phản đối dữ dội. Mẹ nói không được, nguy hiểm lắm, đau đớn lắm, đừng có làm, con làm mẹ sẽ từ mặt con đó", Kaycee nhớ lại lời của mẹ.
Mẹ sợ cuộc sống sau chuyển giới của cô sẽ khổ, không có được hạnh phúc như những người con gái thực sự. Mẹ cô chỉ chấp nhận Kaycee có tình cảm, sống cùng một người con trai chứ bà không muốn cô phẫu thuật, đụng chạm dao kéo.
Trước phản ứng dữ dội của mẹ, Kaycee nói lúc đó cô rất buồn. Vì phản ứng đó thể hiện mẹ đã không thấu hiểu điều cô thực sự mơ ước trong cuộc đời là gì. Nhưng sau đó, Kaycee nghĩ lại. "Có lẽ là mẹ thực sự sợ tôi sẽ chết trên bàn mổ nên mới nói vậy. Chứ từ rất lâu rồi, mẹ không phản đối việc tôi ăn mặc, tóc tai, đi đứng, ăn nói hệt như một người con gái. Thậm chí tôi còn nghĩ chắc chắn mẹ sẽ ủng hộ mình", Kaycee chia sẻ.
Trước ngày sang Thái Lan phẫu thuật, Kaycee nói với mẹ: "Con phải thực hiện ước mơ của con". Càng cận ngày lên đường, cô càng lo lắng vì mẹ vẫn phản đối, cha thì chỉ im lặng.
"Đây thực sự là ca đại phẫu thuật toàn diện rất quan trọng. Vậy mà tôi không có chút động lực tinh thần nào từ gia đình. Áp lực tâm lý nên tự dưng tôi cảm thấy sợ chết, sợ hậu phẫu về gia đình, bạn bè không chấp nhận con người mới của mình nữa", Kaycee nhớ lại cảm xúc hỗn độn của mình.
Ngày đi Thái Lan rồi cũng đến. "Ra đến sân bay, tôi lại cảm thấy háo hức đến mức để quên cả điện thoại tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng may là tôi cũng có vốn tiếng Anh khá nên qua Thái Lan cũng biết cách hỏi đường đi nước bước. Ở đó tôi cũng có người làm dịch vụ đưa đón, chăm sóc cho mình nên cũng an tâm", Kaycee nhớ lại.
Ngày phẫu thuật, cô là ca đầu tiên trong số bảy khách hàng của Bệnh viện Yanhee ngày hôm đó. "Bản thân vốn sợ kim tiêm nên lúc lên bàn mổ tôi rất run sợ. Nhưng rồi được vào thuốc mê thì tôi không biết gì nữa. Đến khi thức dậy, thấy cơ thể mình đổi khác là tôi chảy nước mắt sung sướng", Kaycee kể.
Tự tin sống như con gái
21 ngày sau ca phẫu thuật chuyển giới, Kaycee về nước. Trước khi phẫu thuật, Kaycee mới chỉ sử dụng hormone nữ được hơn một tháng nên cô gặp những phản ứng phụ như rất dễ xúc động, dễ khóc, dễ buồn, cùng dễ nổi nóng.
"Lúc đó, tôi cũng chưa chuẩn bị áo quần của con gái nhiều nên có lúc tôi mặc đồ con trai ra đường, lại bị nhiều người dòm ngó, chỉ trỏ nói "con trai hay con gái đây?". Tôi gần như bị trầm cảm". Cũng may lúc này mẹ lại đến bên cô vỗ về, an ủi như chưa từng có chuyện giận hờn.
Kaycee nói ngay từ đầu cô đã không nhìn vào sự thành công của những người đẹp chuyển giới mà nhìn và mơ ước được như những cô gái xung quanh mình. "Những người con gái họ có sự dịu dàng vừa phải, có sự hồn nhiên vừa phải của một người con gái. Tôi thực sự muốn được như họ. Còn người chuyển giới các chị thường có cá tính mạnh, họ vui vẻ, họ hoạt bát nhưng lại hơi ồn ào một chút", Kaycee thổ lộ.
Hiện tại Kaycee nói cô hoàn toàn tự tin khi giới thiệu mình là người chuyển giới. Cô cũng viết rõ thông tin về mình trên trang Facebook cá nhân: "Tôi là người chuyển giới. Tôi tự hào với con người thật của chính mình".
Mình đã đau đớn như thế rồi mà nên phải mạnh mẽ chứ! Tôi không ngại vì tôi đang sống tốt, và còn truyền cảm hứng cho người khác nữa mà!
Kaycee Chung
Tuy nhiên, trong công việc hiện tại, Kaycee Chung cũng như nhiều người chuyển giới khác, thường gặp những khó khăn vì vẫn còn đó những kỳ thị, e ngại từ xã hội.
Cô kể: "Tôi từng được một nhãn hàng điện thoại đặt hợp đồng chụp ảnh quảng cáo cho dòng sản phẩm mới ra mắt. Khi tôi chuẩn bị đi ngủ để sáng mai bước vào buổi chụp thì nhận được cuộc điện thoại phía nhãn hàng. Tôi hỏi người gọi điện cho mình có chuyện gì vậy chị? Chị ấy mới nói là hồi nãy sếp chị vào xem Facebook em thì biết em là người chuyển giới nên đã hủy hợp đồng rồi. Tôi đã khóc suốt đêm vì sự cố đó".
Theo Kaycee, trong một show diễn thời trang cũng vậy, các nhà thiết kế thường chỉ cần các người mẫu chuyển giới để làm điểm nhấn. "Nhưng trong mỗi show diễn thời trang cũng chỉ cần 1-2 điểm nhấn thôi nên cơ hội dành cho những người mẫu như chúng tôi không nhiều. Do đó, để những người chuyển giới đặc biệt có được show diễn thực sự rất khó khăn và có chút bất công. Tôi mong các nhà thiết kế nếu đọc được những dòng này thì sẽ có một cách nhìn, sử dụng hình ảnh chúng tôi một cách tốt hơn", cô bày tỏ.
Từng làm người mẫu được ba năm, Kaycee hiện đã học thêm nghề trang điểm, làm tóc. Môi trường làm người mẫu giúp cô có cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng chính là bạn bè, giới người mẫu...
____________________________________
10 năm làm việc chăm sóc trực tiếp cho hơn 500 ca đi Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, Lâm Thanh Thảo đã chứng kiến nhiều ca vào sinh ra tử cũng như hiểu rõ nguy hiểm chực chờ của một ca phẫu thuật chuyển giới.
Kỳ tới: Người "đưa đò" chuyển giới
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới