CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?

Nhậu nhiều để làm thân với sếp

Đi làm tại một công ty có sếp hay nhậu, Trần Anh Tuấn (23 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) thường xuyên về nhà lúc nửa đêm, trong tình trạng say “quắc cần câu”.

Hỏi ra mới biết, anh Tuấn khi mới vào làm không lâu, vì nghĩ nếu chiều theo sếp nhậu nhẹt sẽ được lòng nên đã không từ chối bất kỳ cuộc vui nào.

 

 

“Đi làm văn phòng mà không biết nhậu là một thiệt thòi lớn. Tôi thấy mình còn trẻ, ngoài chuyện cố hết sức để làm việc ra thì giao tiếp trên bàn nhậu cũng là một kỹ năng cần có để được lòng sếp và đồng nghiệp. Ở những buổi như thế, tôi biết được rất nhiều thông tin hay, tốc độ thân thiết với sếp còn hơn mấy tháng gặp nhau ở văn phòng”, Tuấn chia sẻ.

 

Mỗi tuần, Tuấn thường đi nhậu với sếp từ 2 đến 3 lần, chi phí cho khoản này mỗi tháng cũng gần 3 triệu. Trong khi đó lương của người mới ra trường như anh chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để có tiền đi nhậu, anh Tuấn phải chi tiêu dè sẻn, có khi nhịn ăn sáng để tiền tối đi nhậu.

Nhậu nhiều coi chừng ‘lòi’ tật xấu

Cuối tuần công ty thường đi ăn uống, tiệc tùng, chị Lâm Hạnh (25 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho rằng việc “nâng chén" với sếp là không thể né tránh. Bởi đây là lúc để giải tỏa căng thẳng và vun đắp mối quan hệ đồng nghiệp sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Thế nhưng, theo chị Hạnh nhậu cũng cần có chừng mực, không để mọi thứ đi quá xa. “Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng khi đi nhậu với sếp, gen Z hay người trẻ càng phải tỉnh táo, tránh “rượu vào lời ra”. Khi nhậu tới bến mình thường không kiểm soát được cảm xúc thì sẽ lộ ra những tật xấu, những khuất mắc khi làm việc với sếp, sau đó chắc gì mối quan hệ với sếp còn bình thường như trước nữa", chị Hạnh chia sẻ.

Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?- Ảnh 1.

Ở môi trường công sở, việc có sếp hay rủ nhậu đã tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, những buổi gặp gỡ gần đây chị Hạnh chuyển sang dùng nước ngọt thay rượu bia vì chẳng thấy lợi ích của nó ở đâu.

“Thời buổi rượu bia đang là nguyên nhân gây tai nạn giao thông hay dễ bị phạt nồng độ cồn nữa, nên chuyển sang dùng nước ngọt vui vẻ cùng sếp và đồng nghiệp để đảm bảo an toàn cho đôi bên”, chị nói.

Việc nhậu nhiều cũng hại sức khỏe, chị Hạnh thường thấy mệt mỏi, đau đầu vào sáng hôm sau. Không chỉ vậy, những đồng nghiệp ai cũng uể oải, mất tập trung vào công việc dẫn đến áp lực hơn, khác xa với mục đích ban đầu là để giải tỏa căng thẳng.

Trốn nhậu bằng “chiêu độc”

Đến bệnh viện xin giấy xác nhận bị bệnh về gan nên phải kiêng cữ bia rượu và chất kích thích là cách mà anh Nguyễn Chí Bảo (26 tuổi, H.Củ Chi) từ chối lời mời nhậu từ sếp.

“Tôi không phải người thích nhậu, cũng không thích tham gia nhiều vào các buổi tụ họp sau giờ làm. Nhưng nếu từ chối thẳng thừng, tôi sợ mất lòng sếp, sợ bị đồng nghiệp cho là khó gần. Do đó, tôi đã viện cớ mình bị bệnh, thế nên mọi người cũng thông cảm không ép nữa”, anh Bảo nói.

Tuy nhiên, lâu lâu anh vẫn dành chút thời gian để đi cùng mọi người. “Từ chối 100% cũng không tốt, lâu lâu tôi vẫn đi giao lưu để thêm gắn kết, thân thuộc với sếp. Có những chuyện mà chỉ trên bàn nhậu mới biết được, một hai ly bia cũng giúp tôi bớt áp lực”, anh Bảo bộc bạch.

Ngoài ra, chị Ngọc Hằng (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) làm việc trong công ty có sếp hay rủ nhậu. Từ chối hết thì ngại, nên trong các cuộc nhậu chị thường dùng chiêu “giả xỉn".

“Nếu thấy sếp hay đồng nghiệp bắt đầu dồn dập bắt uống, tôi sẽ giả vờ chóng mặt và đổi giọng hay thậm chí ói để chứng minh mình đã xỉn. Tôi tin rằng lúc này sẽ không ai ép uống nữa, đây là phép lịch sự, tế nhị mà", chị Hằng nói.

Theo Báo Thanh Niên

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS