CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền cho người chuyển giới

Chuyển đổi giới tính là vấn đề pháp lý xã hội gắn với quyền nhân thân của con người và được cộng đồng quốc tế rất quan tâm trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua đã có một số bước tiến trong việc đảm bảo các quyền của người chuyển giới, trong đó, chuyển đổi giới tính lần đầu tiên được công nhận trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015. Đến nay, sau 7 năm, hệ thống quy định pháp luật dành riêng cho người chuyển giới đang từng bước được các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để người chuyển giới được bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung.

Đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới từ “nữ” sang “nam” và thực hiện đổi tên, nhưng trong các giấy tờ pháp lý, Nguyễn Quốc Anh vẫn phải ghi giới tính “Nữ”. Ngoại hình bên ngoài khác với giới tính trong các giấy tờ pháp lý khiến anh cũng như nhiều người chuyển giới khác gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là khi thực hiện các dịch vụ hành chính. 

viet nam no luc dam bao quyen cho nguoi chuyen gioi hinh anh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Daily Beast)

"Khó khăn nhất trong cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới khi tham gia trong các thủ tục hành chính là họ có ngoại hình khác so với giới tính trên giấy tờ của họ. Khi họ làm giao dịch hành chính, ví dụ như đăng ký nhà đất, hay các thủ tục ngân hàng… thì họ cũng sẽ bị nghi ngờ rất là nhiều và phải hỏi lại. Có những bạn thì họ dùng hóc môn tự phát bên ngoài, họ đã có những thay đổi về ngoại hình nhất định, thậm chí gương mặt của họ khác so với chứng minh thư, chính vì thế mà rất nhiều bạn bị từ chối cung cấp dịch vụ"- Nguyễn Quốc Anh chia sẻ. 

 

Bị kỳ thị là “mắc bệnh”, không được luật pháp và xã hội công nhận, Nguyễn Quốc Anh còn gặp khó khi tìm kiếm việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế khi cần khám bệnh thông thường. Vì thế, năm 2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017, trong đó bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, đồng thời hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Điều 37 và các quyền, nghĩa vụ liên quan đã mở ra một cơ hội cho anh cũng như cộng đồng người chuyển giới, người đồng tính, song tính… (gọi tắt là cộng đồng LGBT) thay đổi cuộc sống, đảm bảo các quyền con người cơ bản. 

"Cảm nhận đầu tiên là nhẹ nhõm. Điều hay là chính thống, thừa nhận sự tồn tại, là khi mà họ cho phép là người chuyển giới được phép thay đổi giới tính. Điều 37 ra đời, sẽ là căn cứ cho rất nhiều các văn bản pháp luật khác sau này sẽ căn cứ vào đấy để ban hành ra giúp ích cho cộng đồng"- Nguyễn Quốc Anh cho biết. 

 

 
Sau 7 năm Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được ban hành, các cơ quan quản lý đã nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính và cụ thể hóa Điều 37, cũng như tổ chức các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về LGBT. Mới đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, gồm 5 chương, 24 Điều, nêu ra một số vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính. Cụ thể là các điều kiện cần có đối với người đề nghị thực hiện can thiệp, cơ sở thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề pháp lý liên quan đến thay đổi giấy tờ và các điều khoản thi hành… Được tìm hiểu và tham gia góp ý với Bộ Y tế trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật, chị Kiều Hồng, thành viên Tổ chức vận động cho quyền của người chuyển giới It’s T Time cho biết: "Dự thảo luật chuyển đổi giới tính này đã mở ra rất nhiều cơ hội để giải quyết rất nhiều vấn đề của người chuyển giới. Đơn cử như là các vấn đề phẫu thuật. Bây giờ người chuyển giới không phải bay sang Thái Lan hoặc các quốc gia xa xôi để phẫu thuật mà dịch vụ đó sẽ được cung cấp tại Việt Nam nếu như dự thảo luật được thông qua. Như vậy là chúng tôi cũng nhận thấy rằng Chính phủ cũng như các cơ quan ban, ngành rất quan tâm đến đời sống của người chuyển giới khi mà Điều 37 được thông qua".

 

Hiện nay dự thảo luật đang tiếp tục được xây dựng với sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức, cộng đồng, các cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế. Nhiều người kỳ vọng, cùng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ sớm có thêm một hành lang pháp lý vững chắc để bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi đối tượng công dân.

"Khi Luật chuyển đổi giới tính ra đời sẽ có rất nhiều hành lang pháp lý bảo vệ cho người chuyển giới. Họ có quyền được học tập, họ có quyền được chăm sóc sức khỏe và thậm chí họ có quyền được đối xử bình đẳng như bao người khác trong xã hội"- Chị Tú Anh -thuộc cộng đồng người chuyển giới tại Hà Nội chia sẻ. 

Nước ta hiện ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới. Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính sẽ là điều kiện để người chuyển giới có hành lang pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính an toàn, tạo điều kiện cho họ được thừa nhận về quyền con người, được cống hiến cho xã hội, chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước./.

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS