CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Vượt qua kỳ thị để sống thật với chính mình

Vượt qua kỳ thị, tự hào lên tiếng
 
Sống thật với chính mình - Đó là mong muốn của hầu hết những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Tuy nhiên, vì những kỳ thị, phân biệt đối xử còn tồn tại trong xã hội mà nhiều LGBT vẫn phải sống khép kín, không dám công khai giới tính (Come out) của mình.
 
Trọng Hiếu kể lại hành trình “come out” của mình. Dù giờ đây, mọi người đã có cái nhìn đúng đắn về giới tính của Hiếu nhưng em vẫn chưa thể quên quãng thời gian đầu tiên mọi người bàng hoàng khi biết Trọng Hiếu là “con gái”. Mẹ là người đầu tiên Hiếu tiết lộ bí mật giới tính. Để đi đến quyết định này, Hiếu đã nhiều lần gián tiếp thuyết phục mẹ bằng cách cho mẹ xem những bộ phim có chủ đề về người đồng tính, song tính và chuyển giới hay đọc được những tài liệu khoa học có liên quan… Tuy vậy, mẹ Hiếu cũng như rất nhiều người mẹ khác rất khó khăn để chấp nhận sự thật đó.
Hiếu chia sẻ: “Mẹ đã khóc rất nhiều và em cũng vậy. Nhiều tháng trời, hai mẹ con Hiếu không thể tìm được tiếng nói chung và chỉ có thể “nói chuyện” với nhau qua những dòng thư thấm đẫm nước mắt… Em vẫn tiếp tục sống, học tập tốt. Và phải mất vài tháng sau, gia đình, bạn bè mới có thể thích nghi và chấp nhận em như một người bình thường”.
 
Giờ đây, Trọng Hiếu được nhiều người biết đến với cái tên Yến Vy. Gia đình, trường lớp đã cởi mở hơn với Yến Vy, hòa đồng cùng em trong mọi hoạt động. Thành tích học tập tốt của Vy cũng là điều khiến nhiều bạn bè nể phục. Với dáng người cao 1m72, Vy có mong muốn được hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Vy quan niệm, mặc quần áo phụ nữ và chỉ cần cảm giác mình là phụ nữ là đủ và không cần phẫu thuật. Điều Vy tự hào nhất là đã vượt qua được sự kỳ thị, vượt qua được chính mình để nói lên tiếng nói tự hào “Tôi là người chuyển giới”.
 
Hãy để LGBT được sống thật…
 
Trên thực tế, dù xã hội có thừa nhận hay không thì việc chung sống ở các cặp LGBT đã, đang và sẽ diễn ra trong tất cả các ngành nghề như một xã hội thu nhỏ. Ước tính, nhóm cộng đồng LGBT ở nước ta hiện khoảng 1,65 triệu người (chiếm khoảng 3% dân số). Việc tồn tại những rào cản từ gia đình, xã hội cũng như chưa nhận được sự công nhận của pháp luật khiến nhóm đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, hầu hết LGBT mong muốn pháp luật có những hình thức công nhận sự tồn tại và bảo vệ quan hệ cùng giới.
 
Kết quả nghiên cứu Sống chung cùng giới do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) lần đầu tiên công bố mới đây cho thấy, có đến 87,5% người đồng tính (NĐT) muốn được sống chung để hỗ trợ nhau về tinh thần, tình cảm và tạo cảm giác cuộc sống an toàn; 61% NĐT trong độ tuổi kết hôn mong muốn có con.
 
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE cho biết, nếu xã hội cứ nhất thiết ép NĐT kết hôn dị tính để có con nối dõi thì sẽ đẩy NĐT gặp một bi kịch khác của đời sống gia đình đó là ly hôn do cuộc sống không hạnh phúc. Kết quả điều tra cho thấy, 52% NĐT sau khi kết hôn dị tính đã ly hôn chủ yếu là do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
 
TS. Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế)  cũng nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến phát triển dân số, quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ em. Ngược lại, việc hợp pháp hôn nhân ở các nước còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội. 
 
Tính đến thời điểm này đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới; 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thừa nhận NĐT kết hợp dân sự. Hiện, Bộ Y tế cũng đã có góp ý với dự thảo dự án sửa đổi một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 6 tới và trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng tính vì đó là quyền sống thực với những gì mình có, đó là quyền con người.
 

 

Hưởng ứng ngày Quốc tế chống kỳ thị, Phân biệt đối xử với LGBT (IDAHO 17/5), ngày 18/5, cộng đồng LGBT đã tổ chức "Ngày hội cộng đồng LGBT - Tự hào lên tiếng" nhằm chia sẻ những mối lo lắng chung, tự hào chấp nhận giới tính của mình, lên tiếng cho những nhu cầu và đòi hỏi sự tôn trọng quyền, và sự bình đẳng cho bản thân. Đây cũng là cơ hội cho cộng đồng LGBT hiểu hơn về nhau, kết nối và cùng nhau đoàn kết vì một mục tiêu chung hướng tới sự bình đẳng cho cộng đồng LGBT tại VN.
 
Tại đây có các hoạt động như tọa đàm “Vượt qua chính mình – Sự kỳ thị với LGBT và làm cách nào để LGBT đối mặt và vượt qua sự kỳ thị”; Triển lãm, trưng bày hình ảnh của cộng đồng LGBT và các nhóm hoạt động trong cộng đồng LGBT; Đêm hội “Lung linh sáu sắc Cầu Vồng”…

 

Dương Hải(sức khỏe và đời sống)
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS