CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Bão số 2 gây thiệt hại tại nhiều địa phương

+
Nhiều cánh đồng lúa hè thu trên địa bàn huyện Ðô Lương (Nghệ An) bị ngập nước do ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh: NGỌC PHƯƠNG

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT), sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 2 gây mưa to làm ngập úng nhiều diện tích cây trồng ở nhiều địa phương. Tính đến 17 giờ ngày 13-6, mưa lớn làm gần 20.000 ha lúa, hoa màu ngập úng. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương bơm tiêu thoát nước để cứu những diện tích lúa, hoa màu bị ngập.

 

* Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa bão làm ngập gần 700 ha lúa, mạ, hoa màu; 150 m kênh tiêu nội đồng bị sập, hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ bị sạt ta-luy dương, sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 75 vị trí, khối lượng khoảng 2.700 m³; sạt 126 m ta-luy âm tại 10 vị trí. Các tuyến đường tỉnh cũng bị sạt ta-luy dương, sa bồi khoảng 2.750 m³ tại 28 vị trí... Ngoài ra, hai ngư dân đang trên đường vào bờ tránh bão cũng bị mất liên lạc, cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

* Ðến chiều 13-6, tại tỉnh Nghệ An mưa lớn do ảnh hưởng của bão gây ngập úng 3.831 ha lúa, hoa màu, 1.900 ha vừng, 71 ha thủy sản, ba bè cá bị chìm, 30 m kênh mương bị sạt lở. Các địa phương đang vận động nhân dân ra đồng khơi thông mương máng để rút nước, bảo vệ sản xuất.

* Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng và làm ngập khoảng 15.400 ha diện tích lúa hè thu. Hiện nay, ngành chức năng đang tập trung bơm tiêu thoát nước; đồng thời bà con nông dân cũng chuẩn bị các loại giống ngắn ngày để gieo cấy lại ở những diện tích lúa bị chết do ngập.

* Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm 12-6, trên địa bàn xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có mưa to kèm theo gió lớn, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê sông Ðáy và một số nhà dân. Tại khu vực thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, xảy ra sạt lở đê sông Ðáy, với chiều dài khoảng 30m. Ðây là khu vực từng bị sạt lở trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra năm 2018.

* Tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn gây sạt lở tại các huyện Lương Sơn, Ðà Bắc và Tân Lạc; tại khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn phải sơ tán khẩn cấp 40 hộ dân với 191 nhân khẩu. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm thiệt hại bốn nhà dân, 22 ha lúa, sạt 220 m3 đường.

* Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng của bão làm 461 ha lúa, hoa màu bị ngập, ngã đổ. Tại xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ xảy ra lốc xoáy làm tốc mái, đổ tường tại trụ sở UBND xã, trường mầm non và tiểu học, THCS An Vũ, ước thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng.

* Tại tỉnh Nam Ðịnh, mưa bão làm 104 nhà dân ở năm xã, thị trấn của huyện Hải Hậu bị tốc mái, hỏng; hơn 20 ha nuôi tôm bị xé bạt đáy, sạt bờ. Ðặc biệt, sóng lớn làm một số vị trí tại kè Hải Thịnh 2, huyện Hải Hậu bị hư hỏng; 300 ha rau màu các loại và hơn 1.000 cây bóng mát, cây chắn sóng bị ảnh hưởng, gãy, đổ; khoảng 33 ha lúa đông xuân bị đổ.

* Do ảnh hưởng của bão, tỉnh Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trong đó TP Sơn La, huyện Mai Sơn, Mộc Châu và Vân Hồ từ 54 đến 78 mm. Mưa lớn làm ngập đường vào bản Hua Tạt, xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ khiến người dân đi lại khó khăn.

* Ngày 13-6, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 13 giờ ngày 13-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Sau đó, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây và tan dần.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, hôm nay (14-6) ở phía tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm, có nơi trên 80 mm. Trong mưa dông, khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

* Theo dự báo, hôm nay (14-6), mực nước thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) tiếp tục lên; trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 m. Trong đợt lũ này, một số sông nhỏ khả năng lên mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông.

* Ngày 13-6, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm về ứng phó bão số 2. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, ngập úng cục bộ tại một số khu vực. Ðối với khu vực miền núi, chủ động theo dõi diễn biến mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu…

* Trên địa bàn xã An Ninh, huyện Bình Lục (Hà Nam) vừa xảy ra lốc xoáy làm 23 nhà dân và công trình phụ, 43 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái; khoảng 30 ha chuối, ngô, cây ăn quả khác bị gãy đổ và ảnh hưởng.

* Tàu cá TH 91677 với bảy ngư dân khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão bị sóng đánh chìm. Rất may, bảy ngư dân này đã được tàu cá khác cứu vớt an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Ðịnh cho biết, tàu cá BÐ 97189-TS hành nghề vây rút chì khi đang hoạt động trên biển thì một ngư dân rơi xuống biển mất tích.

* Tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ), vừa xảy sạt lở bờ sông làm sập một nhà dân. Theo đó, vị trí sạt lở có chiều dài 15 m, sâu vào bờ 5 m. Hiện khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.

* Vụ mùa năm nay, tỉnh Lai Châu có kế hoạch gieo cấy hơn 22.700 ha. Ðến nay, bà con nông dân đã làm đất được hơn 15 nghìn ha và cấy được gần bảy nghìn ha. Vụ đông xuân năm 2021, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) gieo cấy hơn 2.500 ha lúa. Hiện nay, nhân dân đã thu hoạch được hơn 60% diện tích, năng suất ước đạt hơn 56,6 tạ/ha.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong các ngày từ 14 đến 16-6, nhiều địa phương trong cả nước có chỉ số tia cực tím (UV) có nguy cơ gây hại cao và rất cao. Trong đó, TP Hải Phòng lần lượt là 10-9-10, Hà Nội 10-7-10, Hội An 9-9-8, Nha Trang 8-8-9, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau là 9-9-9.

 
PV và CTV
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS