Chia sẻ kinh nghiệm triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV
Phát hiện xác định các trường hợp nhiễm mới HIV rất quan trọng trong dự phòng cắt đường lây truyền từ người nhiễm sang các nhóm bạn tình/bạn chích. Đồng thời giúp đưa ra các giải pháp giám sát dịch chủ động, tìm chùm lây nhiễm và cắt đứt đường lây truyền thống.
Từ năm 2018, ở nước ta đã triển khai thí điểm xét nghiệm nhiễm mới tại 11 tỉnh do PEPFAR tài trợ. Đến nay, chương trình đã được triển khai tại hơn 33 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 9/2022, đã có hơn 15.000 mẫu được thực hiện xét nghiệm nhiễm mới tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả cho thấy có sự gia tăng các trường hợp phát hiện nhiễm mới ở các tỉnh, thành miền Nam, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và ngày càng trẻ hóa.
Tại Hội thảo sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai xét nghiệm nhiễm mới (XNNM) do Dự án EPIC phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tổ chức mới đây, PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đánh giá cao việc các tỉnh/thành phố, đã triển khai mở rộng xét nghiệm nhiễm mới, giúp tăng cường phát hiện, giám sát dịch chủ động. Việc triển khai có sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo cũng như việc thành lập được nhóm hỗ trợ kỹ thuật đa lĩnh vực từ Trung ương tới địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những vấn đề kỹ thuật trong quản lý chất lượng xét nghiệm, quy trình nội kiểm, ngoại kiểm cũng như các thuận lợi, khó khăn khi triển khai xét nghiệm nhiễm mới.
Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm HIV, đặc biệt là trong các nhóm có hành vi nguy cơ để tìm ra các trường hợp nhiễm mới HIV; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ các quy định về giám sát dịch tễ học và xét nghiệm HIV tại Thông tư 04/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm và Thông tư 07/2023/TT-BYT về quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giám sát dịch chủ động, cắt đứt đường lây truyền HIV, PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho biết.
Tại Yên Bái, đến cuối tháng 3/2023, lũy tích số người nhiễm HIV có địa chỉ trên địa bàn là 4.558 người, chiếm 0.24% dân số. Con đường lây truyền HIV trong số người nhiễm HIV chủ yếu là đường máu 40,7%; lây qua đường tình dục 15,6 %; lây từ mẹ sang con 0,75%; lây qua đường khác 42,95%.
Trước thực trạng này, tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng, nổi bật là hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân với nhiều hình thức phong phú như: truyền thông trực tiếp hướng đến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ); đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tổ chức nói chuyện chuyên đề, hội thảo; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế…
Quý I năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 151 buổi truyền thông trực tiếp cho 3.245 lượt người.
3 tháng đầu năm, Yên Bái đã phát 98.267 bơm kim tiêm cho 1.262 người, phát 19.056 bao cao su cho đối tượng nguy cơ cao; điều trị ARV cho 1.834 bệnh nhân nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV; 100% các cơ sở điều trị HIV/AIDS triển khai điều trị thuốc ARV trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% các cơ sở sản khoa có sinh triển khai các can thiệp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị dự phòng lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV cho 43 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị.
Thời gian tới, để đảm bảo tính bền vững, làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh duy trì ổn định hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các cấp; tập trung triển khai các hoạt động giám sát, can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; thường xuyên triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi phòng, chống HIV/AIDS…
QT - SKĐS
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người