Gia tăng lây nhiễm trong nhóm MSM (bài 2)
Hình thái lây nhiễm HIV đã chuyển dịch từ tiêm chích ma túy, mẹ lây truyền sang con, hoạt động mại dâm sang lây nhiễm qua con đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới (MSM), chiếm 70-90%. Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 72% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, trong đó có ghi nhận gia tăng tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới hơn 36%). Tỷ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây là quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.
Tăng lây nhiễm do giấu bệnh, sợ bị kỳ thị
Trong chuyến đi thực tế ở Kiên Giang và Bình Dương, điều đau lòng nhất mà chúng tôi ghi nhận được đó là tình trạng giấu H của những người bệnh và sự kỳ thị từ phía gia đình, đã đẩy nhiều nạn nhân vào con đường cận kề cái chết do không được điều trị sớm. Số ca phát hiện mới ở Kiên Giang và Bình Dương đều tăng cao, 90% lây qua đường tình dục và chủ yếu là người trong nhóm MSM.
Nhóm The Sun truyền thông tới các bạn học sinh, sinh viên về phòng ngừa lây nhiễm HIV.
Sau khi chia tay “bạn tình” 1 tháng, N.T.Đ. (17 tuổi, Kiên Giang) sốc nghẹn lời khi nhận tin nhắn: “Anh bị nhiễm HIV, em nên đi xét nghiệm đi”. 3 lần test tại CDC Kiên Giang, Đ. có kết quả dương tính. Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO The Sun (Kiên Giang) kể, điều đau đớn với nhiều bạn MSM mà nhóm tiếp cận, đó là có những trường hợp nhiễm HIV nhưng giấu tình trạng bệnh của mình vì sợ bị kỳ thị, vì sợ bạn tình bỏ rơi, không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Chỉ đến khi chia tay, họ mới thông báo cho bạn tình của mình. Khi ấy, thì mọi thứ đã quá muộn, nguy cơ nhiễm HIV đến 90%.
Tùng chia sẻ thêm, năm 2022, nhóm CBO The Sun tiếp cận và phát hiện, hỗ trợ 98 ca dương tính; 6 tháng 2023 phát hiện thêm 28 ca dương tính mới qua facebook, Zalo, các app hẹn hò, trang mạng xã hội. “Qua tiếp cận, chỉ có 2-3 cặp đôi mới nói thật “tôi có H” và nhờ Danh Tùng khuyên người kia uống thuốc kháng virus dự phòng lây nhiễm PrEP. Chỉ những đôi thực sự yêu nhau tha thiết mới nói thật tình trạng bệnh, còn lại đều giấu”, Tùng cho biết.
Hơn 10 năm làm tại Phòng Khám ngoại trú OPC TP Rạch Giá (Kiên Giang), BS Lưu Thị Quỳnh Nga kể, gần đây có nhiều em vào xin điều trị thuốc PrEP vì bạn tình gọi điện thông báo “mày đi xét nghiệm HIV đi”. Các em này không có triệu chứng của HIV (sốt, sụt cân, tiêu chảy kéo dài). Các em vào đây vẫn tin là mình không mắc, mục đích chỉ xin uống thuốc dự phòng. “Nhưng không ngờ khi xét nghiệm, đều có kết quả dương tính. Rất nhiều đối tượng tới khi chia tay mới nói cho bạn tình biết mình bị HIV”, BS Nga nói.
Qua tiếp cận nhóm MSM, Trưởng nhóm COB Sát Cánh Trương Hữu Danh nêu thực trạng: Một số người có hiểu biết nhưng làm lơ không đeo bao cao su khi quan hệ; một số người không có hiểu biết, ý thức kém và chủ quan nên không đeo bao. Một số bạn là học sinh, sinh viên hoặc ở vùng sâu, vùng xa không tiếp cận với mạng xã hội, nhưng muốn trải nghiệm cảm giác lạ, muốn “thử” quan hệ tình dục đồng giới nhưng không sử dụng bao cao su. Hậu quả, nhiều ca nhóm tiếp cận, khi bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS mới được phát hiện.
Mỗi người MSM đều có từ một đến vài bạn tình, việc giấu bệnh đã vô hình trung lây lan cho bạn tình theo cấp số nhân. Đau lòng hơn, có những MSM bị chính gia đình kỳ thị, từ chối tiếp cận các đồng đẳng viên, khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Trương Hữu Danh không thể quên ánh mắt tuyệt vọng của K. (26 tuổi, Kiên Giang) khi tìm đến với mình sau 1 năm tiếp cận. “Lúc đến với em K. có triệu chứng ốm, sụt cân nhiều, nổi mụn, hạch, nấm… Khuyên bạn ấy xét nghiệm và điều trị nhưng bạn luôn từ chối. Một thời gian lâu sau em nhận được tin nhắn của K. “tôi đi xét nghiệm rồi”. Nhờ y tế địa phương kiểm tra phần mềm thì hóa ra K nói dối. Tình thế buộc phải tìm mẹ của K để nhờ bà thuyết phục. Lần đầu bà còn tiếp, lần sau người mẹ chối luôn: “Con tôi bị nấm chứ không có bệnh nào hết”. Vài tháng sau em nhận được tin K. tử vong”, Danh kể lại.
Còn Danh Tùng chia sẻ, năm 2021, em nhận được tin nhắn làm quen của một nam thanh niên 27 tuổi muốn xét nghiệm HIV. Bạn này là nhân viên Spa, có quan hệ tình dục không an toàn với người đồng giới. “Em test bằng dịch miệng cho bạn ấy có phản ứng và hướng dẫn đến cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định. Một tuần sau đó, bạn nói đã xét nghiệm ở phòng khám, khoe mua được bảo hiểm y tế và đang làm thủ tục chuyển tuyến điều trị. Nghe chuyện em cũng mừng cho bạn ấy. Nhưng 2 tháng trước, em nhận được tin nhắn của bạn nhờ hỗ trợ, hóa ra bạn ấy chưa điều trị. Khi bạn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thì đã viêm phổi, bệnh nặng phải chuyển tuyến lên TP Hồ Chí Minh. 15 ngày sau em nhận tin bạn ấy mất”, Danh Tùng chua xót kể.
Xuất hiện những “chùm ca bệnh”
ThS.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, theo giám sát mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ 2017 đến tháng 3/2022, ca nhiễm HIV là nam giới tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh như: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng…
Là địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, dịch HIV tại Long An tăng mạnh trong vài năm gần đây ở nhóm MSM, tập trung tại 5 địa bàn lớn: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An. Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 15 nghìn người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20 đến 29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc CDC Long An tiết lộ con số giật mình, năm 2021, 95% là ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục. Trong 100 người nhiễm HIV, có 92 trường hợp là nam giới. Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy có 3 ca thì 2 ca nhiễm HIV.
Còn ở Đông Nam Bộ, tăng mạnh ở các địa bàn có khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lây truyền qua đường máu ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ 28,3% giảm xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%. Tăng mạnh hơn là Bình Dương bởi tỉnh có tới 30 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp với khoảng 1,3 triệu lao động. Qua số liệu thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV ở Bình Dương do lây qua đường tình dục chiếm chiếm 81,7%, đặc biệt năm 2022 con số này tăng đỉnh điểm lên tới 97,9%. Trong số ca nhiễm HIV mới, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%.
Bình Dương hiện có khoảng 15 nghìn người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20-29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Nếu như năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2%, con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Dương đã ghi nhận 67,3% số ca nhiễm HIV là nhóm MSM. Theo BS Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV/AIDS CDC Bình Dương, tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân. Tỷ lệ sinh viên, học sinh là nam quan hệ đồng giới được phát hiện nhiễm HIV, đưa vào điều trị phơi nhiễm cũng tăng mạnh. Chiếm 10% trong tổng số ca nhiễm mới phát hiện gần đây, rơi vào lứa tuổi chỉ từ 15 đến 19.
Một trong những nguyên nhân khiến HIV gia tăng ở Bình Dương bởi đó là tỷ lệ dân nhập cư cao, các công nhân hay rơi vào tình huống bị gián đoạn bảo hiểm y tế do công ty nợ bảo hiểm nên ảnh hưởng tới việc khám, chữa bệnh. Thực tế hiện nay, ca nhiễm HIV mới hàng năm ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ 80%, số ca nhiễm là người ở Bình Dương chỉ 20%. Đây là những khó khăn mà theo BS Linh, cần phải khống chế bệnh nhân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác mà không cung cấp thông tin điều trị.
Nếu các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn lây nhiễm ở nhóm MSM không hiệu quả, thì tỷ lệ lây nhiễm HIV sẽ còn gia tăng đáng sợ. Nguy hiểm là ở Kiên Giang đã xuất hiện những chùm ca bệnh ghi nhận ở Phòng khám OPC TP Rạch Giá. Đó là một nam bệnh nhân SN 1969 đã lây HIV cho 2 bạn tình đều là thanh niên trẻ. “Đây là chùm ca bệnh 3 người, trước đó cũng có chùm ca bệnh hơn 50 tuổi lây cho 2 em nhỏ”, BS Lưu Thị Quỳnh Nga, Trưởng Phòng khám OPC, Trung tâm Y tế TP Rạch Giá cho biết.
Đến 31/12/2022, ước tính số người nhiễm HIV còn sống ở 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 242.000. Tính đến tháng 3/2023, số người nhiễm HIV mới báo cáo gia tăng ở hầu hết các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục là 81,7% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục 97,9%). Trong những năm gần đây, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, với tỷ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao là 11,3%.
Trần Hằng(cand.com.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người