HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Biểu hiện của bệnh có thể chia thành 3 giai đoạn: HIV cấp tính (2-4 tuần đầu), HIV mạn tính (giai đoạn giữa, có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, không có triệu chứng gì mặc dù hệ miễn dịch suy giảm trong giai đoạn này) và giai đoạn muộn (AIDS). Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng hơn.
1. Giai đoạn HIV cấp tính
Các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện khoảng 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số người nhiễm HIV xuất hiện các triệu chứng này.
Đây là giai đoạn cấp tính hoặc giai đoạn đầu của virus và dễ dàng bị bỏ qua vì nó có thể không xảy ra hoặc các triệu chứng có thể nhầm lẫn với các bệnh cúm khác.
Một số triệu chứng có thể gặp:
- Sưng hạch bạch huyết: Sau tuần đầu tiên ở giai đoạn cấp tính, nhiều người bị sưng hạch bạch huyết, thường xuất hiện ở cổ, nách hoặc bẹn...
- Các triệu chứng giống như cúm: Trong vài tuần đầu tiên của giai đoạn cấp tính, bạn có thể không có triệu chứng nào hoặc có thể có các triệu chứng giống như cúm. Chúng có thể bao gồm sốt, đau họng, nhức đầu, đau khớp và cơ. Mặc dù các triệu chứng thường nhẹ, nhưng lượng virus trong máu của bạn vào thời điểm này rất cao, rất dễ dàng lây lan.
Khoảng 2/3 số người sẽ mắc bệnh giống như cúm, đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với việc nhiễm HIV.
- Phát ban:Bạn có thể bị phát ban vài ngày sau khi bị sốt. Phát ban thường lan rộng trên mặt, cổ và ngực trên. Đôi khi phát ban cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể và có thể kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn.
- Lở loét da và miệng: Trong giai đoạn cấp tính, bạn cũng có thể bắt đầu bị lở loét ở miệng, họng, vùng sinh dục, hậu môn và có thể gây đau. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HIV cũng bị những vết loét này.
- Vấn đề tiêu hóa:Người nhiễm HIV có thể gặp các vấn đè về tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. HIV cũng có thể gây chán ăn.
- Ho:Vấn đề hô hấp duy nhất mà bạn có thể gặp phải trong giai đoạn đầu của nhiễm HIV là ho khan và thường biến mất sau một vài tuần hoặc một tháng.
2. Giai đoạn HIV mạn tính
Sau giai đoạn đầu cấp tính, hầu hết mọi người không có triệu chứng trong một thời gian. Trong giai đoạn này, khi HIV trở thành mạn tính, bạn có thể cảm thấy ổn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Các vấn đề có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn yếu đi và bệnh tiến triển như:
- Nhiễm trùng nấm men:Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi hệ thống miễn dịch dần suy giảm. Một vấn đề phổ biến là nhiễm trùng nấm men trong miệng (tưa miệng). Nấm men gây ra các mảng màu kem, gây đau và có thể dễ dàng chảy máu.
- Bệnh zona:Khi virus trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể bị bệnh zona. Zona gây ra bởi cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu. Những người bị bệnh zona thường bị thủy đậu khi còn nhỏ. Các triệu chứng bao gồm mụn nước, đau hoặc phát ban trên mặt và cơ thể. Bệnh zona cũng có thể gây giảm thị lực.
- Tình trạng sức khỏe khác:Ngay cả khi được điều trị, HIV vẫn gây ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Bạn có thể mắc bệnh tim, gan, xương hoặc thận, đái tháo đường, ung thư… Điều quan trọng là tuân thủ điều trị và giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ.
3. Giai đoạn AIDS
Giai đoạn tiến triển của nhiễm HIV là AIDS. Bạn có thể bị đổ mồ hôi ban đêm, sốt kéo dài và tiêu chảy kéo dài hơn một tuần. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân. Các đốm tím hoặc nâu trên da, trầm cảm và mất trí nhớ cũng có thể xảy ra.
Nếu bạn có hành vi nguy cơ cao hoặc nghi ngờ mình nhiễm HIV, tốt nhất nên đi xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt.
Cách tốt nhất để tránh chuyển sang giai đoạn AIDS là bắt đầu điều trị HIV sớm, uống thuốc điều trị HIV theo toa và làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Theo suckhoevadoisong.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người