Nỗ lực đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT, do đó kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh. Mặc dù vậy, với những nỗ lực bao phủ BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV, đến hết quý 3/2019, đã có 51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%, còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là thành phố Hồ Chí Minh (80%).

Bảo đảm kinh phí chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc tiếp cận 10% bệnh nhân còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT. Các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú. Nhiều bệnh nhân mất giấy tờ tùy thân.
Do đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động bảo đảm các nguồn tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Ngoài ra, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị.
Việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT, trong năm 2019 đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48.000 bệnh nhân. Đến hết tháng 10/2019 đã có hơn 41.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV. Dự kiến trong năm 2020, sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân.
Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, hiện chúng ta tiếp tục chuyển đổi sang BHYT theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để bảo đảm rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 năm 2020, kết thúc AIDS vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều thách thức. Bên cạnh thách thức về nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và cho công tác điều trị HIV nói riêng, thì việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm vẫn là thách thức lớn.
Từ năm 2012, việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thời gian qua, để bảo đảm 100% bệnh nhân điều trị ARV tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT. Nhờ vậy, số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV. Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT… Tuy nhiên, để có thể hoàn thành mục tiêu, bên cạnh việc người nhiễm HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT thì cộng đồng, xã hội cần phải xóa bỏ sự phân biệt đối xử để người nhiễm HIV được điều trị bệnh đúng cách, hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh bảo đảm và phê duyệt từ nguồn ngân sách địa phương kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT cho năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trong cung ứng thuốc như điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV nguồn BHYT chưa cung ứng kịp; đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia như TLD; đôn đốc việc quyết toán sử dụng của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; kiện toàn quản lý thông tin bệnh nhân và thông tin quản lý sử dụng các nguồn thuốc.
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong thực hiện nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…/.
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Bài viết liên quan | Xem tất cả