Tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS
Sáng 17-3, Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu HIV/AIDS Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch dự án năm 2023.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 31-12-2022, cơ bản các hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu HIV/AIDS thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Với 6 mô hình tư vấn, xét nghiệm dự án hỗ trợ, đã xét nghiệm cho gần 40.000 đối tượng có nguy cơ cao, phát hiện 186 ca HIV mới tại cộng đồng tỉnh Thanh Hoá và 258 ca HIV mới là người tỉnh ngoài ở các trại giam và trại tạm giam; số dương tính chiếm 1,2% số xét nghiệm. Tiếp tục duy trì hoạt động can thiệp bơm kim tiêm cho hơn 5.000 người nghiện chích ma túy (NCMT), hơn 2.000 nam có quan hệ tình dục đồng giới. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 1.200 khách tại 7 phòng khám trên địa bàn TP Thanh Hoa và TP Sầm Sơn, số khách hàng điều trị PrEP trong năm đạt 140% kế hoạch. Hoạt động điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, vượt chỉ tiêu quốc gia 90%.
Năm 2022, tất cả các cơ sở điều trị ARV ngoài cộng đồng (trừ các trại giam) đã dự trù thuốc ARV thông qua nguồn BHYT; số bệnh nhân có thẻ BHYT đạt 91%. Tỉnh đã mua 260 thẻ BHYT cấp miễn phí cho bệnh nhân bằng nguồn ngân sách địa phương.
Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ làm xét nghiệm tải lượng virut VGC và điều trị VGC cho 981 bệnh nhân đồng nhiễm HIV và VGC và bệnh nhân đang điều trị Methadone có VGC; trong đó xét nghiệm tải lượng virut VGC lần 2 cho 552 bệnh nhân đã điều trị VGC sau 12 tuần điều trị, 551/552 bệnh nhân điều trị VGC đã khỏi bệnh. 35/35 bà mẹ đã được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu HIV/AIDS Thanh Hóa, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan tới AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững thành quả của mục tiêu 90-90-90 đã đạt được, từng bước tiến tới mục tiêu 95-95-95 và tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030.
Cụ thể, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%. Tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến.
Theo baothanhhoa.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người