Xét nghiệm HIV âm tính là gì?
Khác với kết quả xét nghiệm HIV dương tính, nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm không mang trong mình virus HIV hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được virus trong cơ thể.
1. Virus HIV là gì?
HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.
Con đường lây truyền HIV có thể là qua:
- Đường máu: HIV có nhiều trong máu cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.
- Đường tình dục: Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng.
- Lây truyền từ mẹ sang con: Từ giai đoạn mang thai, khi sinh, khi cho con bú, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con..
Xét nghiệm là cách duy nhất để xác nhận bệnh nhân có nhiễm HIV hay không. Xét nghiệm HIV bao gồm một số xét nghiệm về máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không.
Xét nghiệm HIV bao lâu là thắc mắc được nhiều người quan tâm hiện nay. Hầu như không thể phát hiện nhiễm HIV ngay lập tức, cơ thể phải cần phải có thời gian để tạo ra kháng thể hoặc lượng virus đủ để phát triển. Người xét nghiệm có thể mất khoảng 3–6 tháng trước khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính với HIV. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xét nghiệm sớm, có thể bị âm tính giả trong khi thực tế đã nhiễm bệnh.
2. Xét nghiệm HIV âm tính là gì?
Âm tính hay dương tính là thuật ngữ được sử dụng trong y khoa nhằm mục đích chỉ ra kết quả của một xét nghiệm nào đó mà người bệnh đã thực hiện.
Xét nghiệm HIV âm tính là gì? Có đáng lo không? Trên thực tế, nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm, người xét nghiệm không mang trong mình virus HIV hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được virus trong cơ thể người xét nghiệm, bởi có thể đang ở trong thời kỳ “cửa sổ” (sau khi nhiễm virus HIV, phải mát 3 đến 6 tháng để cơ thể sản xuất ra kháng thể, đây được xem là giai đoạn cửa sổ). Nếu thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và nghĩ rằng mình đang trong thời kỳ “cửa sổ” thì hãy làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không.
Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV dương tính thì ngược lại với kết quả xét nghiệm HIV âm tính, điều này có nghĩa là đã mang virus HIV trong cơ thể. Hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức để trao đổi cách làm kìm hãm sự phát triển của virus; ngưng mọi hoạt động gây hại tới hệ miễn dịch như hút thuốc, dùng ma túy, uống rượu bia quá mức hay ăn uống không lành mạnh; làm kiểm tra bổ sung để xác nhận các loại bệnh khác; thông báo cho những người bạn đã, đang và sẽ quan hệ biết về bệnh tình của mình.
3. Ai nên xét nghiệm HIV?
Các chuyên gia khuyến khích tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13–64 nên thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần. Nếu chẳng may nhiễm virus HIV, phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn đồng thời có những biện pháp đề phòng lây truyền HIV cho người khác.
Với những người có nguy cơ cao hơn nên kiểm tra thường xuyên hơn. Nếu bạn có kết quả xét nghiệm HIV âm tính trong lần cuối cùng hoặc xét nghiệm đã được thực hiện hơn một năm trước, và thuộc một trong số những người dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt:
- Người có quan hệ đồng tính nam.
- Đã có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo với một người dương tính với HIV.
- Đã quan hệ với nhiều người kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
- Sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc vật dụng khác như nước hoặc bông y tế với người khác.
- Đã từng bán dâm.
- Đã từng được chẩn đoán hoặc điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Đã được chẩn đoán hoặc điều trị lao, viêm gan.
- Đã có quan hệ tình dục với một ai đó có ít nhất một trong các đặc điểm kể trên.
Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HIV để có thể bắt đầu điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Khi một phụ nữ được điều trị HIV sớm trong thai kỳ, nguy cơ truyền HIV sang em bé thường rất thấp.
4. Cách phòng tránh bệnh HIV
Dựa trên các con đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng tránh bệnh HIV như sau:
- Cách tốt nhất để phòng tránh HIV là không tiêm chích ma túy.
- Thực hiện một lối sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, chung thuỷ một vợ một chồng.
- Đối với trường hợp quan hệ tình dục với đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không thì bạn nên thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách; không để dịch sinh dục như tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc của mình trong khi quan hệ tình dục.
- Với những người trẻ, không quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục có hiệu quả.
- Chỉ nên truyền máu và các chế phẩm máu khi thật sự cần thiết; nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Khi biết một người đã nhiễm HIV nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người đó.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải răng, bấm móng tay, dao cạo,...
- Phụ nữ nhiễm HIV tốt nhất không nên mang thai, bởi tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi là 30%. Nếu có thai thì uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp đã có thai thì nên đến cơ sở y tế để khám thai và được tư vấn cách xử lý.
Theo vinmec.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người