CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Xét nghiệm máu bình thường có phát hiện ra HIV?

xet-nghiem-mau-binh-thuong-co-phat-hien-ra-hiv

Xét nghiệm máu thông thường không thể phát hiện được sự tồn tại của HIV trong cơ thể. Chỉ khi thực hiện các xét nghiệm chuyên môn như tìm kháng nguyên, kháng thể HIV vào thời điểm thích hợp thì mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh HIV.

1. Có thể phát hiện HIV bằng xét nghiệm máu thông thường hay không?

Trong xét nghiệm máu tổng quát không bao gồm xét nghiệm HIV. Nếu không yêu cầu bác sĩ xét nghiệm HIV thì sẽ không phát hiện ra HIV được.

Các xét nghiệm chính trong danh mục xét nghiệm máu tổng quát thường chỉ bao gồm các xét nghiệm chính sau:

  • Xét nghiệm công thức máu: Nhằm định lượng các thành phần của máu như tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu.., và một số tính chất của chúng như độ lớn, lượng hêmôglôbin,... trong mẫu thử máu. Việc xét nghiệm này giúp chúng ta phát hiện những bất thường cơ bản về máu từ đó đưa ra các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
  • Đường máu: Giúp định lượng nồng độ đường trong máu giúp xác định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Để đảm bảo kết quả chính xác, việc lấy máu phải được thực hiện sau 8 giờ nhịn đói trở lên.
  • Xét nghiệm mỡ máu: Giúp đo chỉ số hàm lượng cholesterol và triglycerid trong máu bao gồm lượng cholesterol toàn phần, HDL (cholesterol tốt), LDL (cholesterol xấu). Xét nghiệm mỡ máu còn giúp chẩn đoán tình trạng tăng cholesterol trong máu. Chỉ số cholesterol trong máu được xem là cao nếu > 2,50 g/l. Triglycerid được coi là cao nếu như > 2 g/l.
  • Chỉ số men gan: Giúp xác định nồng độ men alanine amino transferase (ALAT hoặc SGPT) cùng với men aspartate amino transferase (ASAT hoặc SGOT). Những thông số này giúp chẩn đoán các bệnh lý ở gan (do rượu, virus hoặc ung thư). Ngoài ra, còn đưa ra hướng chẩn đoán khác vì nồng độ các men này cũng tăng ở một số bệnh như viêm tuyến tụy hay nhồi máu cơ tim.

xet-nghiem-mau-binh-thuong-co-phat-hien-ra-hiv-1

Trong xét nghiệm máu tổng quát không bao gồm xét nghiệm HIV

2. Xét nghiệm HIV bằng cách nào?

Nếu nghi ngờ mình bị HIV thì nên tới khám bác sĩ và xét nghiệm HIV hoặc đến các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện lớn để được xét nghiệm chính xác về HIV.

  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên: Xét nghiệm này giúp tìm kiếm virus HIV trong máu. Xét nghiệm có thể cho biết lượng virus có trong máu (còn gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Đây là xét nghiệm khá tốn kém và không được sử dụng thường xuyên với mục đích sàng lọc cá nhân, trừ khi bạn có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao hay xuất hiện các triệu chứng HIV sớm.
  • Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus HIV: Hầu hết các xét nghiệm HIV nhanh hay các bộ xét nghiệm tại nhà là xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này giúp tìm kiếm kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể. Với xét nghiệm máu, bạn sẽ được yêu cầu lấy máu từ tĩnh mạch vào một ống đựng mẫu rồi gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Với xét nghiệm dịch cơ thể, thường lấy dịch miệng, và có thể thực hiện tại nhà. Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể, kết quả thường có nhanh hơn (trong khoảng 30 phút).
  • Xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể: Xét nghiệm này dùng để tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV trong cơ thể. Kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với virus HIV còn kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên. Khi bị nhiễm virus HIV, một kháng nguyên được gọi là p24 sẽ xuất hiện sau khi nhiễm khoảng 2–4 tuần.

3. Kết quả xét nghiệm HIV có ý nghĩa gì?

xet-nghiem-mau-binh-thuong-co-phat-hien-ra-hiv-2

Kết quả xét nghiệm HIV có ý nghĩa gì?

Kết quả HIV âm tính: Kết quả này không có nghĩa là bạn hoàn toàn không có khả năng bị nhiễm HIV. Nó có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm cơ thể bạn không mang vi rút này hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được vi rút. Có khả năng cao là bạn đang ở trong thời kỳ “cửa sổ”.

Thời kỳ “cửa sổ” kéo dài từ 3 đến 6 tháng, đây cũng là khoảng thời gian để cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại vi rút. Vì vậy, nếu làm xét nghiệm trong khoảng thời gian từ lúc vi rút xâm nhập cho đến khi cơ thể sản sinh được đủ lượng kháng thể thì kết quả có thể âm tính trong khi người làm xét nghiệm đã bị nhiễm HIV rồi. Trong thời kỳ cửa sổ, bạn vẫn có thể lây truyền HIV cho người khác mặc dù kết quả xét nghiệm kháng thể của bạn là âm tính.

Nếu thấy mình có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV và nghĩ rằng mình đang trong thời kỳ “cửa sổ” thì nên làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình.

Kết quả HIV dương tính: Có nghĩa là cơ thể bạn đã mang vi rút HIV. Bạn không nên lo lắng, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất.

3. Phát hiện và điều trị sớm HIV có lợi ích gì?

  • Giúp duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và sống có ích cho gia đình và cộng đồng: Nên đi làm xét nghiệm sớm nếu nghi ngờ bị nhiễm HIV đừng để đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ốm rồi mới đến cơ sở y tế. Vì khi đó, hệ miễn dịch đã bị suy giảm, cơ thể không còn đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh, bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng.

Do đó, nên đến cơ sở y tế ngay từ khi mới phát hiện dương tính với HIV để được tư vấn và điều trị. Nếu CD4 của bạn ở mức ≤ 350 tế bào/mm3 máu nghĩa là bạn đã đủ tiêu chuẩn điều trị ARV.

  • Giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám chữa bệnh và chi phí nằm viện: Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm nặng, cơ thể của bạn còn khỏe, bạn sẽ không bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Do đó bạn không cần phải tốn kém tiền bạc cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng (xảy ra nếu CD4 < 200 tế bào/mm3 máu).
  • Giúp giảm nguy cơ lây lan virus sang cho người khác: Điều trị sớm giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người trong đó có vợ/chồng, bạn bè và cả con cái.

Theo vinmec.com

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS