'Không phát hiện = không lây truyền' giúp người nhiễm HIV tự tin hòa nhập cộng đồng
TS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu.
"Điều này có ý nghĩa rằng, một người có HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. K=K giúp người nhiễm HIV bớt đi mặc cảm và giảm kỳ thị, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng" – TS. Nhàn cho biết thêm.
TS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Tuyên bố đồng thuận K=K hay U=U đã được hơn 782 tổ chức y tế tại hơn 95 quốc gia trên thế giới công nhận và thông qua. Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thực hiện chiến dịch K=K và là nước đầu tiên ở châu Á đi tiên phong trong chiến dịch này.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K nhằm khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người có HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV.
Cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS đã công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 9 về AIDS tại Paris tháng 7/2017, rằng một mức tải lượng virus HIV không phát hiện được có nghĩa là HIV không còn khả năng lây truyền. Người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục.
Tùy thuộc vào loại thuốc điều trị có thể phải mất đến 6 tháng để đạt mức tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Việc đo tải lượng HIV cần được theo dõi định kỳ để bảo đảm lợi ích sức khỏe người bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Do vậy, việc lựa chọn phương pháp dự phòng HIV có thể khác nhau tùy thuộc vào hành vi quan hệ tình dục, hoàn cảnh và các mối quan hệ của một người. Ví dụ, nếu có ai đó quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc trong mối quan hệ không phải là một vợ một chồng, họ có thể cân nhắc sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, hoặc dùng thuốc ARV theo đơn đã kê của thầy thuốc có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Việc điều trị ARV là quá trình cần công sức và thời gian, nhưng người nhiễm HIV hoàn toàn có thể có cuộc sống lành mạnh và chất lượng khi tuân thủ điều trị.
Để duy trì và tiếp tục nâng cao thành quả chất lượng điều trị HIV/AIDS, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục cải tiến công tác xét nghiệm HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao để phát hiện sớm và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị, cũng như để các cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng cần phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người