CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Ba phương án xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Ba phương án xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 2021-2025, lần lượt có chiều dài 141, 138, 125 km với vốn đầu tư 46.200, 61.000 và 57.000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải ngày 21/9 đã họp với đơn vị tư vấn, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cùng lãnh đạo các tỉnh thành Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ). Ảnh:Cửu Long.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ). Ảnh: Tập đoàn Cửu Long.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đưa ra ba phương án về hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, phương án một, sau khi đấu nối vào cầu Cần Thơ 2, qua quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cao tốc sẽ vào tỉnh Hậu Giạng tận dụng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu, tổng chiều dài khoảng 141 km, làm một chiều từ Cần Thơ - Cà Mau; chiều ngược lại sẽ xây dựng mới song song.

Tuyến cao tốc theo phương án một có 13 nút giao, tổng mức đầu tư khoảng 46.200 tỷ đồng. Ưu điểm phương án này có mức đầu tư thấp nhất, giải phóng mặt bằng 750 ha; cự ly kết nối vào các đô thị lớn tương đồng (TP Sóc Trăng 24 km, TP Bạc Liêu 25 km, TP Vị Thanh 35 km...); dễ thu hút xe vào cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu, thi công thuận lợi.

Phương án hai, cao tốc sẽ xây mới hoàn toàn. Sau khi đấu nối đoạn qua TP Cần Thơ 2 như phương án một, cao tốc sẽ đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, giải phóng mặt bằng 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ đồng. Phương án này có các nút giao cũng như khả năng kết nối đô thị tương đương phương án một.

Phương án ba, sau khi kết nối với tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng như phương án một, cao tốc đi song song với quốc lộ 61C (cách khoảng 10 km) đến nút giao với quốc lộ 61B (vào thành phố Vị Thanh), đi thẳng qua Bạc Liêu, tới điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3, TP Cà Mau. Tuyến này dài 125 km, có 11 nút giao, giải phóng mặt bằng 800 ha, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng.

Cao tốc xây theo phương án ba có khả năng kết nối gần về phía TP Vị Thanh (10 km) nhưng cách TP Sóc Trăng 41 km và TP Bạc Liêu 46 km và các đô thị khác cũng khá xa. Phương án này khó thu hút xe chạy vào cao tốc, ít kết nối vào đường hiện hữu, khi thi công phải làm đường công vụ.

Đơn vị tư vấn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thống nhất chọn phương án một; thống nhất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điểm đầu ở cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), điểm cuối giao với đường vành đai 3 TP Cà Mau. Toàn dự án cần phân chia thành 3 dự án thành phần, gồm: cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu và đoạn Bạc Liêu - Cà Mau (46 km).

Tuy vậy, đại diện UBND TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đề xuất chọn phương án ba, dù phương án này chưa có trong quy hoạch. Trong khi đại diện tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau nghiêng về phương án hai...

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ hơn các ưu, khuyết điểm các phương án. Đặc biệt các phương án cần tính toán khả năng cao tốc kết nối với các đô thị vì sự phát triển chung của cả khu vực; hạn chế tối đa việc thu hồi đất lúa... Phương án được chọn phải đáp ứng cao nhất về hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học, có thuyết phục cao nhất.

Trước đó theo báo cáo đầu kỳ của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc của đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên các tỉnh, thành...

Số liệu dự báo nhu cầu vận tải đường bộ (giai đoạn 2025-2030), hành lang Cần Thơ – Cà Mau có khoảng 30.000-41.000 lượt ôtô mỗi ngày đêm, nhưng năng lực các quốc lộ hiện chỉ đáp ứng tối đa khoảng 27.800-30.600 xe. Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này là cần thiết. Cao tốc được thiết kế, thi công kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, rút ngắn thời gian đi lại từ 2,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng.

Hồi đầu tháng 8 họp với các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tại khẩn trương nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành hai dự án thành phần. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, Thủ tướng giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan có thẩm quyền, chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP (hợp tác công - tư).

Tại miền Tây, hiện có nhiều cao tốc được triển khai xây dựng. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, kinh phí hơn 6.300 tỷ đồng, sẽ thông tuyến cuối tháng 9. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dự kiến thông tuyến cuối năm nay. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, hơn 4.800 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 khởi công và thông tuyến cuối năm sau.

Cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2026, góp phần thúc đẩy đồng bằng Mekong phát triển. Cao tốc trục ngang thứ hai Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155 km, đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành sau ba năm.

Còn hai tuyến khác gồm: An Hữu - Cao Lãnh dài hơn 28 km, qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, kinh phí thực hiện hơn 5.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km có vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, kết nối với tuyến Cao Lãnh - Kiên Giang trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Theo vnexpress.net

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS