Băn khoăn việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Theo tờ trình của Chính phủ do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, sau khi Luật HIV 2006 được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời. Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, một số quy định của luật hiện hành đã bộc lộ các tồn tại, bất cập. Trong đó, việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV; việc huy động cho Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV rất hạn chế và hiện đã được các chính sách khác bảo đảm nên không cần thiết duy trì quỹ này.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính như: người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp; người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV…
ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đồng tình việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Song, đại biểu Dung cũng cho rằng, việc mở rộng như dự thảo là nhiều, trong đó có: cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ tài chính… Quy định như vậy sẽ tạo lo ngại bị lộ thông tin người nhiễm HIV. Việc giới hạn đối tượng tiếp cận thông tin có thể gây khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được.
ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng cho rằng, thông tin về người nhiễm HIV cần được bảo vệ, do đó, ban soạn thảo cân nhắc trình tự, thủ tục, thông tin về người nhiễm HIV để bảo vệ quyền lợi của họ.
Tranh luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Lê Thị Yến (Phú Thọ) bày tỏ sự đồng tình với việc mở rộng diện được tiếp cận thông tin như dự thảo luật.
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, những người được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV đều liên quan trực tiếp đến khám, chữa bệnh, và việc biết thông tin sẽ giúp họ tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định, thông tư cũng đã có các quy định rất chặt chẽ trong việc bảo vệ thông tin cho người nhiễm HIV nên việc mở rộng đối tượng biết thông tin người nhiễm HIV không đáng lo ngại.
Thảo luận về vấn đề Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ là bỏ quỹ do nguồn kinh phí hiện nay không bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách phòng, chống HIV/AIDS và cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) phân tích, quỹ không có chỉ tiêu viên chức, không có khả năng thu hút người chuyên trách. Số tiền quỹ huy động được không nhiều, không tạo dấu ấn trong cộng đồng, xã hội. Kể từ khi quỹ ra đời, bình quân mỗi năm chỉ huy động được khoảng 480 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, có năm chỉ huy động được vài chục triệu đồng, thậm chí năm 2019 chỉ huy động được 11 triệu đồng. Mặt khác, do không có bệnh nhân giai đoạn nặng cần điều trị nên trong tổng số 5,7 tỷ đồng, quỹ chỉ chi được 2,3 tỷ đồng. Vì thế, việc duy trì quỹ là không cần thiết và hướng đến việc thành lập quỹ chung về y tế, trong đó có nội dung chi hỗ trợ người nhiễm HIV cho phù hợp với tình hình mới.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực dành cho công tác phòng, chống AIDS, đặc biệt nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng. Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS.
ĐB Trương Phi Hùng (Long An) bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra và cho rằng, việc giữ lại quỹ là cần thiết. Hạn chế của quỹ là ở khâu vận động tài trợ, do đó, cần có biện pháp khắc phục. Trên thực tế, có những tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ chung nhưng cũng sẵn sàng đóng góp cho quỹ riêng về phòng, chống HIV.
Theo QUANG MINH (sggp.org.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người