Bệnh nhân AIDS đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi đã chết vì ung thư
TTO - Ông Timothy Ray Brown, còn được biết đến với biệt danh 'Bệnh nhân Berlin', người đầu tiên được chữa khỏi HIV, vừa qua đời sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư.
Theo Hãng tin AFP, Hiệp hội Quốc tế về bệnh AIDS (IAS) hôm nay 30-9 công bố tin này và gửi lời chia buồn tới gia đình cũng như người bạn đời của ông Timothy Ray Brown.
Ông Brown đã đi vào lịch sử y khoa thế giới và trở thành một biểu tượng của hi vọng cho hàng chục triệu người nhiễm HIV vào thời điểm hơn 10 năm trước khi ông được chữa khỏi căn bệnh này.
Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với chứng bệnh leukaemia (bệnh bạch cầu, một loại ung thư máu) trong nhiều tháng và được chăm sóc tại nhà riêng ở thành phố nghỉ dưỡng Palm Springs, bang California.
"Chúng ta nợ ông Timothy và bác sĩ của ông, ông Gero Hutter, vô vàn sự biết ơn vì đã mở ra cánh cửa cho các nhà khoa học có thể khám phá ý niệm rằng hoàn toàn có thể có một cách chữa bệnh HIV/AIDS", bà Adeeba Kamarulzaman, chủ tịch IAS, nói.
Ông Brown bị chẩn đoán nhiễm HIV trong lúc đang học tại Berlin năm 1995. Một thập kỷ sau đó, ông bị chẩn đoán mắc leukaemia.
Để điều trị leukaemia cho ông Brown, bác sĩ điều trị cho ông tại Đại học Tự do Berlin đã dùng phương pháp ghép tế bào gốc từ một người hiến có biến thể gen hiếm giúp ông Brown có kháng thể tự nhiên với HIV với hi vọng có thể cùng lúc chữa khỏi cả hai căn bệnh.
Quá trình này đòi hỏi những thủ thuật đau đớn và nguy hiểm nhưng rốt cuộc đã thành công. Năm 2008, ông Brown được tuyên bố khỏi cả hai căn bệnh. Ban đầu, trong một hội thảo y khoa, người ta gọi ông với bí danh là "Bệnh nhân Berlin" để bảo vệ danh tính.
Tuy nhiên hai năm sau đó, ông Brown quyết định công khai chuyện của mình. Ông tham gia trả lời phỏng vấn, diễn thuyết và thành lập một quỹ riêng.
"Tôi là nhân chứng sống cho thấy có thể có một cách chữa trị bệnh AIDS - ông từng nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP năm 2012 - Được chữa khỏi HIV, điều đó thật tuyệt vời".
10 năm sau khi ông Brown được chữa khỏi, một người bệnh HIV/AIDS thứ hai là ông Adam Castillejo, còn được gọi là "Bệnh nhân London" cũng đã được tuyên bố khỏi bệnh sau 19 tháng không tìm thấy virus HIV nữa. Người này cũng đã trải qua phương pháp điều trị tương tự ông Brown và hiện tại cũng không còn virus HIV trong người.
Theo tuoitre.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người