CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TOÀN DÂN: NHỮNG BƯỚC TIẾN MỚI CHO NGƯỜI SỐNG VỚI HIV

Với kỳ vọng mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc y tế về HIV có chất lượng và giá hợp lý cho mọi người sống với HIV ở Việt Nam, một hội nghi đối thoại chính sách về tăng cường bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân cho người có HIV đã được Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội (UBVĐXH), một số các cơ quan Chính phủ và Nhóm phối hợp của LHQ về HIV (UNAIDS, UNWOMEN và UNODC) tổ chức trong tháng 9 năm 2019. Các đại biểu đại diện cho Chính phủ, UBVĐXH, cộng đồng và cơ quan LHQ đã thảo luận về sự tình hình thực hiện chính sách pháp luật về HIV, các thách thức và cam kết mở rộng hơn nữa độ bao phủ bảo hiểm y tế trong điều trị HIV đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xoá bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các dịch vụ y tế.

“Bảo đảm duy trì các loại thuốc kháng HIV (ARV) cho người có HIV thông qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến nổi bật trong công tác phòng chống HIV ở cấp quốc gia. Năm tới đây, chúng ta sẽ sửa đổi bổ sung Luật phòng chống HIV/AIDS để tạo môi trường thuận lợi hơn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống HIV. Đó sẽ là một cột mốc quan trọng nữa trong cam kết của Nhà nước về dồn tổng lực hướng tới kết thúc dịch AIDS để AIDS không còn là một nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.” Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ tịch UBVĐXH của Quốc hội cho biết trong lời phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại chính sách.

Các loại thuốc kháng virus hiện đã được bảo hiểm y tế chi trả

Thuốc ARV cung ứng qua nguồn BHYT đã đến với người bệnh từ tháng 3 năm 2019. Đây là một bước tiến mới trong việc thực hiện Quyết định số 2188 của Thủ tướng Chính phủ (2016) và Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới (2017), với cam kết 95% dân số Việt Nam được bao phủ bảo hiểm y tế quốc gia vào năm 2025 và chấm dứt AIDS vào năm 2030. Chi trả bảo hiểm y tế cho điều trị HIV là một giải pháp thiết yếu nhằm đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV trong bối cảnh  sụt giảm các nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Tất Thảo, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết nhờ lập kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến độ mua sắm, phân phối và sử dụng nguồn thuốc ARV mới do BHYT chi trả diễn biến tốt, đến tháng 3 năm 2019, 91% người có HIV đang uống thuốc ARV đã có BHYT, tăng đáng kể so với độ bao phủ 50% vào năm 2016. Sau 3 tháng đầu tiên triển khai điều trị kháng HIV qua BHYT, đến tháng 6/2019 đã có khoảng 40.000 người có HIV được uống thuốc ARV nguồn BHYT tại 180 cơ sở y tế. Việc chuyển đổi nguồn thuốc điều trị này dự kiến sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh trong nửa cuối năm 2019 và trong năm 2020, đồng thời liên tục theo dõi sát sao để chủ động giải quyết mọi vấn đề này sinh. Các ý kiến phản hồi thường xuyên từ cộng đồng người có HIV và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong quá trình chuyển đổi này là vô cùng quan trọng để đảm bảo không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Duy trì khả năng được điều trị suốt đời cho người có HIV nhờ bao phủ BHYT

“Tôi rất vui được biết BHYT đã bao phủ được phần lớn những người đang điều trị HIV và giảm tối đa các khoản phải chi trả bằng tiền mặt của chúng tôi,” Chị Phạm Thị Huệ phát biểu thay mặt cho cộng đồng người sống với HIV của thành phố Hải Phòng.

Chị Huệ cũng chia sẻ ước mơ của cộng đồng người sống với HIV, là không còn phải lo lắng về bảo mật thông tin khi tham gia điều trị HIV bằng nguồn BHYT. Chị cho biết sự kỳ thị, phân biệt đối xử và một số thủ tục hành chính vẫn đang khiến cho người có HIV lo sợ bị lộ thông tin cá nhân, từ đó làm giảm niềm tin của họ khi sử dụng bảo hiểm y tế và điều trị HIV tại các cơ sở y tế công lập. Ví dụ: những người nhiễm HIV là người lao động có hợp đồng rất khó khăn khi phải xin nghỉ phép mỗi tháng một lần để đi khám bệnh và nhận thuốc ARV; họ cũng không muốn có nhiều người tiếp cận được bệnh án của họ. Bảo vệ quyền riêng tư có thể được làm tốt hơn thông qua việc đơn giản hóa thủ tục và chuyển sang kê đơn cấp thuốc ARV một lần cho nhiều tháng, tập huấn cho nhân viên y tế và nhân viên BHYT, và thực thi nghiêm các hướng dẫn về bảo mật khi xử lý các bệnh án và đơn thuốc.

Quyền bình đẳng trong tiếp cận đến dịch vụ y tế có chất lượng và thân thiện

“Mỗi ngày, tôi phải vật lộn để lột bỏ sự gán nhãn và kỳ thị. Sống thực như bản thân mình có là ước mơ giản dị nhất của tôi, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để thực hiện được ước mơ đó……”

Một người chuyển giới

Cuộc đối thoại cũng cập nhật thông tin về vấn đề bạo hành trên cơ sở giới, các ảnh hưởng của vấn đề này, khiến các cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao càng trở nên dễ tổn thương hơn. Những người chuyển giới (TG) có nguy cơ lây nhiễm HIV đã chia sẻ về những thách thức trong đời sống hàng ngày của họ. Vì chính giới tính của họ và thường ngay từ nhỏ, những người chuyển giới luôn phải đối mặt với sự kì thị của xã hội và việc chưa được công nhận về pháp lý tạo nên một vòng luẩn quẩn gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của họ, đồng thời hạn chế tiếp cận của họ đến các dịch vụ y tế cũng như là BHYT vốn chỉ được thiết kế cho hai giới nam và nữ.

Chia sẻ ví dụ từ các khuôn khổ pháp lý của các quốc gia khác trong việc bảo vệ quyền của người chuyển giới, Ông Đặng Thuần Phong, UBVĐXH của QH đề cập: “Chúng ta nên tìm ra các giải pháp tốt hơn cho phép những người sống với HIV, các nhóm có giới tính và khuynh hướng tình dục khác biệt và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tiếp cận được đến các dịch vụ thiết yếu và đóng góp đầy đủ cho xã hội như bất kỳ một công dân Việt Nam nào khác. Đó chính là đầu tư cho phát triển xã hội.”

Các cơ hội mới để định hình cho tương lai trong thập kỷ tiếp theo

Cuộc đối thoại cũng là một dịp để cập nhật về tiến độ của Việt Nam trong việc thực hiện 10 cam kết toàn cầu trong Tuyên ngôn chính trị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV. “Mặc dù lây nhiễm HIV đã giảm trong một số nhóm dân ở Việt Nam, nhưng các ca nhiễm HIV mới đang gia tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).  Không ngơi nghỉ, tiếp tục đẩy mạnh các can thiệp cả trong dự phòng và điều trị HIV, đặc biệt thúc đẩy hơn nữa môi trường thuận lợi để những nhóm dân có nguy cơ lây nhiễm HIV cao được tiếp cận bình đẳng và an toàn đến các dịch vụ về HIV, dịch vụ y tế khác và dịch vụ xã là điều thiết yếu để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu của mình”. Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam cho biết.

“Chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2030, chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2030, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống HIV/AIDS là những cơ hội lớn để định hình cho thập kỷ tiếp theo nhằm chấm dứt dịch AIDS để AIDS không còn là một nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam và để không người dân Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau”, Bà Marie-Odile Emond nhấn mạnh. Nhóm phối hợp về HIV của Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhằm thực hiện được tầm nhìn và các cam kết quốc gia, đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho ứng phó toàn cầu với HIV/AIDS.

Theo unaids.org.vn

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS