Chung sức để phòng chống HIV
Theo thống kê, tính đến nay, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống đang quản lý tại Thừa Thiên Huế là 522 người. Trong đó, 500 người trong tỉnh, 5 người ngoại tỉnh và 17 phạm nhân ở trại giam Bình Điền. Số người nhiễm HIV phát hiện mới từ năm 2018 đến nay có xu hướng gia tăng so với giai đoạn từ năm 2011-2016.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế), nếu như trước dịch COVID-19 trên địa bàn chỉ có 1-2 trường hợp thì nay số lượng tăng trên dưới 30 ca nhiễm HIV mỗi năm.
Nhóm MSM thường sống khá khép kín, không cởi mở trong giao tiếp trao đổi, ngại đến nơi đông người, không muốn bộc lộ về bản thân cho người ngoài. Nhằm thuyết phục nhóm MSM nguy cơ cao đến xét nghiệm điều trị, phần lớn phải nhờ đến các đồng đẳng viên trong khi lực lượng này hiện nay còn khá hạn chế về số lượng người tham gia.
Đồng đẳng viên tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV.
Lãnh đạo khoa Phòng chống HIV/AIDS cho hay, trước đây, nhóm cộng tác viên đồng đẳng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên sau một thời gian do không còn kinh phí hỗ trợ duy trì, nhóm tan rã.
Đến tháng 8/2023, đã tuyển mới được hai cộng tác viên đồng đẳng, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi thêm thành viên để củng cố nhóm, hướng tới mục tiêu chung tay làm giảm thiểu lây nhiễm HIV.
Một cộng tác viên đồng đẳng chia sẻ, việc tiếp cận những người trong nhóm MSM không hề đơn giản, đỏi hỏi phải dành thời gian truy cập mạng, đăng nhập vào các app, mạng xã hội để tìm kiếm. Nhóm MSM ở Huế sống khá khép kín do đó phần lớn việc tiếp cận chỉ khai thác được những thông tin cơ bản, rất khó để tìm hiểu sâu.
"Trước thực tế gia tăng ca nhiễm HIV ở nhóm MSM, việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận họ để cung cấp kiến thức rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ. Ngoài ra, nếu như nhóm cộng tác viên đồng đẳng phát triển sẽ giúp đẩy mạnh việc truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị của cộng đồng tới nhóm MSM", cộng tác viên đồng đẳng nói.
Nhân viên y tế tư vấn sử dụng thuốc kháng virus HIV.
Bên cạnh hoạt động của các cộng tác viên đồng đẳng, mới đây tại TP Huế, Câu lạc bộ (CLB) Gót Hồng cũng chính thức ra mắt nhằm tạo môi trường chia sẻ yêu thương, giúp các thành viên LGBT nắm rõ quyền chăm sóc sức khỏe và phòng, chống các bệnh xã hội.
Anh N.V.V., Chủ nhiệm CLB Gót Hồng cho hay, những người MSM tại Huế có nguy cơ nằm trong nhóm 16-24 tuổi, CLB đã hỗ trợ một số bạn đi kiểm tra sức khỏe. Qua vận động được một trường hợp nghi ngờ làm xét nghiệm, có một bạn có kết quả dương tính khẳng định. Khai thác thêm, người này không biết mình lây từ đâu, kiến thức về phòng, chống bệnh xã hội khá hạn chế.
"Rất nhiều ca cố chấp, không tin tưởng vào quá trình điều trị, các loại thuốc và biện pháp phòng tránh. Đây là vấn đề chúng tôi thường xuyên đối mặt. Ngay cả tổ chức PrEP lưu động miễn phí, nhóm MSM cũng ngại đến vì sợ bị lộ thông tin", anh V. nói.
Ths.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS cho biết, tiếp cận, vận động xét nghiệm phát hiện MSM nhiễm HIV đã khó, đưa họ vào điều trị là chuyện không hề đơn giản. Bởi MSM sống khép mình, sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, hạn chế kiến thức về HIV, ngại uống thuốc, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị.
Khoa Phòng chống HIV/AIDS tuyên truyền phòng chống HIV cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Huế.
"Nhóm tình nguyện viên tiếp cận MSM trong thời gian đầu sẽ truyền thông theo nhóm nhỏ nhằm tạo sự thân thiện, tiếp cận gần. Thời gian tới, đẩy mạnh triển khai và tận dụng các kênh thông tin, trong đó mạng xã hội nhằm giúp MSM, LGBT thay đổi cách nhìn về HIV cũng như các phương pháp điều trị", ThS.BS Lý Văn Sơn chia sẻ.
Theo lãnh đạo khoa Phòng, chống HIV/AIDS, do số ca nhiễm HIV ở người trẻ tuổi đang gia tăng, bên cạnh phát huy vai trò của các đồng đẳng viên, hội nhóm, đơn vị đang đẩy mạnh truyền thông, giáo dục ở các trường học.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, chương trình văn nghệ, hỏi đáp lồng ghép kiến thức, đăng trên kênh fanpage… cung cấp kiến thức về dịch tễ HIV là một trong những sự đổi mới trong phương pháp truyền thông. Qua đó, tạo sự hứng thú cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường ý thức được công tác phòng, chống HIV, không phân biệt kỳ thị với người nhiễm, cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS.
"Mục tiêu hướng đến là để người trẻ tự nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi nguy cơ, hướng tới hành vi an toàn để phòng tránh lây nhiễm HIV. Bạn trẻ sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV, tạo môi trường học tập, làm việc thân thiện", ThS.BS. Lý Văn Sơn nói.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người