CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Chung tay phòng, chống HIV/AIDS

Thời gian qua, dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó, dịch HIV ngày càng khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi (như đậu mùa khỉ) đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này.

Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang huy động sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân; đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Mặt khác, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng chất dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm, như: Viêm gan virus, lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Triển khai nhiều hoạt động

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động, gồm: Tổ chức hội nghị, hội thảo; tổ chức lễ phát động, mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12); tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS…

Trong đó, tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, ngành y tế phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh và các hoạt động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.

Cùng với đó, tổ chức giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Đồng thời, mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, như: Xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát thuốc Methadone; cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế, cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Vận động doanh nghiệp tham gia phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thực hiện các biện pháp truyền thông phòng, chống lây nhiễm HIV theo hướng dẫn của các cơ quan y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV, như: Bao cao su, bơm kim tiêm sạch… cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng. Rà soát, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo dễ tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, cũng như việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế…

“Các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 nhằm đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục. Qua đó, nhằm duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng” - ông Trần Quang Hiền thông tin.

HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc trị hiệu quả, chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu cộng đồng hiểu biết rõ cơ chế lây nhiễm của bệnh, có ý thức phòng tránh, nhất là có sự chung tay của cộng đồng trong việc ngăn chặn lây lan, thì mục tiêu “ba không” (không có trường hợp nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS) vào năm 2030 có thể đạt được

 

MINH THƯ

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS