Có hay không bệnh viêm niệu đạo ở nam giới?
Khi nhắc đến bệnh viêm niệu đạo, nhiều người thường nghĩ chúng chỉ xuất hiện ở phụ nữ. Sự thật có phải như vậy không? Có hay không bệnh viêm niệu đạo ở nam giới? Câu trả lời là dù cho số lượng người bệnh ít hơn rất nhiều nhưng các quý ông hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng trên. Vậy viêm niệu đạo ở nam giới có nghiêm trọng không và chúng có gì khác so với nữ giới ? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé.
1. Viêm niệu đạo ở nam giới là gì?
Viêm niệu đạo xảy ra khi ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể (gọi là niệu đạo) bị viêm và kích thích, gây ra cảm giác khó chịu đi tiểu. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do vi sinh vật (đặc biệt là vi khuẩn).
Viêm niệu đạo có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Tuy nhiên, nữ giới có nguy cơ mắc phải cao hơn hẳn nam giới. Nguyên nhân cho sự khác biệt này là do chiều dài niệu đạo ở nam giới lớn hơn nhiều so với nữ giới khiến cho vi khuẩn không thể dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Thông thường, hầu hết các trường hợp viêm niệu đạo là hậu quả của tình trạng nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Trong đó, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến hơn.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vi khuẩn liên quan đến viêm niệu đạo thường được phân làm hai nhóm chính:
- Do vi trùng lậu(có tên là Neisseria gonorrhoeae) – chúng được truyền từ người này sang người khác trong khi sinh hoạt tình dục (giao hợp đường âm đạo, miệng và hậu môn).
- Không do vi trùng lậu– Trong đó, Chlamydia trachomatis là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra còn có, Mycoplasma genitalium, Trichomonas vaginalis,… nhưng ít gặp hơn. Tuy nhiên, trong gần một nửa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân cụ thể.
Như đã đề cập ở trên, virus cũng có thể gây ra viêm niệu đạo, có thể kể đến như:
- HPV
- Herpes simplex virus (HSV)
- Cytomegalovirus (CMV).
Dù vậy, không phải tất cả viêm niệu đạo đều là do nhiễm trùng hoặc chấn thương. Viêm khớp phản ứng (trước đây gọi là hội chứng Reiter) cũng có thể là một nguyên nhân nhưng tương đối hiếm gặp. Chúng thường biểu hiện với ba đặc điểm:
- Đau và sưng, một hoặc nhiều khớp.
- Viêm kết mạc.
- Viêm niệu đạo vô trùng (không có sự hiện diện của vi trùng).
3. Triệu chứng viêm niệu đạo ở nam giới là gì?
Các biểu hiện chung
Các triệu chứng thường gặp ở người nam giới bị viêm niệu đạo bao gồm:
- Cảm giác đau hay nóng rát khi đi tiểu.
- Ngứa hoặc rát gần lỗ tiểu (ở đầu dương vật).
- Rối loạn liên quan đến đi tiểu – tiểu lắt nhắt, tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu không kềm chế được đến khi vào đến nhà vệ sinh).
- Có máu trong nước tiểuhoặc trong tinh dịch.
- Tiết dịch từ niệu đạo- có thể suốt cả ngày hoặc đôi khi chỉ xuất hiện vào buổi sáng.
Tuy nhiên, không phải tất cả nam giới bị viêm niệu đạo đều có triệu chứng.
Các triệu chứng gợi ý nguyên nhân
Ngoài các biểu hiện đã nêu ở trên, còn có một số đặc điểm có ý nghĩa khá đặc biệt vì khi xuất hiện chúng có thể gợi ý các nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ như:
- Tiết dịch mủ từ niệu đạo vào buổi sáng (thường được ví von như giọt sương ban mai) khá gợi ý, nhưng không chắc chắn đối là do vi trùnglậu.
- Nếu chỉ có duy nhất cảm giác khó chịu khi đi tiểumà không kèm các biểu hiên khác thì nhiều khả năng bị nhiễm C
- Rối loạn đi tiểu đi kèm với vết loét, đau vùng sinh dục rất có thể là do virus Herpes (HSV); người bệnh cũng có thể phàn nàn về sốt, đau đầu và đau hạch bẹn.
Lưu ý: Các triệu chứng của viêm niệu đạo do lậu và không do lậu thường chồng chéo và không thể được phân biệt đáng tin cậy chỉ trên cơ sở lâm sàng. Do đó, các xét nghiệm chuyên sâu là cần thiết để xác định mầm bệnh gây bệnh.
4. Chẩn đoán Viêm niệu đạo ở nam giới
Đối với viêm niệu đạo, các triệu chứng lâm sàng đóng một vai trò khá quan trọng. Bác sĩ sẽ cần hỏi bạn về các than phiền này một cách cẩn thận, một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh cũng như một số thông tin cần thiết khác.
Thăm khám vùng bộ phận sinh dục là vô cùng cần thiết để tìm kiếm các biểu hiện bất thường như xuất tiết dịch, lở loét… và bất kỳ dấu hiệu nào gợi ý bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Xét nghiệm cũng đóng một vai trò không thể thiếu. Xét nghiệm mẫu nước tiểu hoặc dịch tiết lấy từ niệu đạo của người bệnh thường là bước đầu tiên và được thực hiện ở tất cả các trường hợp. Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ một tác nhân cụ thể nào đó, một số xét nghiệm chuyên biệt có thể được chỉ định (chẳng hạn như HIV và giang mai…).
Kết quả này không chỉ hữu ích trong chẩn đoán, nó còn cho phép chúng ta điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp hơn trong trường hợp các triệu chứng không cải thiện. Hơn nữa, kết quả cho biết rằng liệu đối tác của bạn có cần phải được kiểm tra và điều trị hay không?
5. Điều trị Viêm niệu đạo ở nam giới
Cách thức điều trị viêm niệu đạo sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó là do lậu cầu hay không do lậu cầu. Bởi vì trong trường hợp viêm niệu đạo do lậu, có một điểm đặc biệt là người bệnh sẽ được điều trị luôn cả tác nhân gây bệnh Chlamydia (bởi vì hai loại vi sinh vật này tồn tại cùng một lúc).
Tuy nhiên nhìn chung thì chúng thường bao gồm một đợt điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng vi-rút. Trong trường hợp đặc biệt đối với vi trùng lậu, có thể cần phải phối hợp nhiều loại thuốc khi điều trị.
Một số thuốc dùng phổ biến cho viêm niệu đạo có thể kể đến như là: azithromycin, doxycycline, erythromycin, ofloxacin, levofloxacin.
*Lưu ý: Người bệnh đang điều trị kháng sinh không nên quan hệ tình dục cho đến khi hoàn thành quá trình điều trị. Người này cũng nên thông báo đến tất cả bạn tình của mình để họ được xét nghiệm và điều trị.
6. Tôi cần lưu ý gì trong quá trình điều trị?
Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một trong các tình huống nêu ra sau đây:
- Các triệu chứng có thểcải thiện nhanh chóng chỉ một vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên hoàn thành đơn thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng quay trở lại và trở nên kháng thuốc.
- Nếu các triệu chứng tái phát và dai dẳng, người bệnhnên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được đánh giá lại khả năng tái nhiễm, đề kháng kháng sinh hoặc thay đổi điều trị cho phù hợp.
Một số chú ý thêm:
- Để giảm nguy cơ lây truyền, người bệnh nên hạn chế hoạt động tình dục trong ít nhất bảy ngàysau khi bắt đầu điều trị và cho đến khi các triệu chứng của họ mất đi.
- Những người bệnh nhiễm vi trùng lậuhoặc nhiễm Chlamydia nên được xét nghiệm lặp lại vào thời điểm ba tháng sau khi điều trị để loại trừ khả năng tái nhiễm.
7. Các biến chứng có thể gặp phải là gì?
Nếu nhiễm trùng không được điều trị, nó có thể trở nên khá nghiêm trọng. Các hậu quả xấu sẽ xảy ra bao gồm:
- Nhiễm trùng lan sang các phần khác của đường tiết niệu (bao gồm bàng quang, niệu quản, thận và tuyến tiền liệt).
- Lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể gây tử vong.
- Trong trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần có thể gây hẹp một phần của niệu đạo do xơ – sẹo, dẫn đến cảm giác khó chịu khi đi tiểu.
Do đó, đừng chủ quan với các biểu hiện của bệnh và bị chúng đánh lừa. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm niệu đạo.
8. Tôi có thể phòng ngừa viêm niệu đạo hay không?
Nhiều tác nhân gây viêm niệu đạo có thể truyền từ người sang người thông qua quan hệ tình dục. Do vậy, tình dục an toàn là một biện pháp phòng ngừa quan trọng, chẳng hạn như:
- Hạn chếgiao hợp với nhiều đối tác (bạn tình).
- Sử dụng bao cao su mỗi khi có quan hệ tình dục.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Bảo vệ người khácbằn cách thông báo cho những người khác tình trạng của mình (nếu có).
Bên cạnh đó, có nhiều cách khác cũng có thể làm giảm nguy cơ viêm niệu đạo và một số tình trạng khác như uống nhiều nước, đi tiểu ngay sau khi giao hợp… Tuy nhiên, các phương pháp này chưa chứng minh được tính hiệu quả một cách rõ ràng.
Viêm niệu đạo thường bị lầm tưởng chỉ xuất hiện ở nữ giới. Các biểu hiện thường chỉ xuất hiện tại chỗ với rối loạn đi tiểu, tiết dịch,… Tuy nhiên, nếu không được xử trí thích hợp có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Điều trị cụ thể chủ yếu dựa vào tác nhân gây bệnh. Hạn chế quan hệ tình dục và điều trị luôn cho cả bạn tình cũng là một điểm quan trọng để hạn chế lây lan.
Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết bạn nhé!
Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Theo youmed.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm