Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận. Đại biểu Đặng Quốc Khánh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chủ trì phiên họp Tổ.
Trong phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục và Y tế; tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở các địa phương; đầu tư về cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực giáo dục…
Đại biểu Siu Hương.
Công chức, viên chức nghỉ việc không chỉ vì lương thấp mà còn vì cơ hội thăng tiến hầu như không có
Đại biểu Siu Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ sự lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, trong đó lưu ý tới ngành Y tế và Giáo dục.
Riêng đối với tỉnh Gia Lai, cho đến tháng 6/2022 đã có gần 400 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, ngành giáo dục có đến 125 viên chức và ngành y tế có 115 viên chức xin nghỉ việc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ về chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của công chức, viên chức mà còn là cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có, môi trường làm việc không phát huy được năng lực của người có trình độ cao và áp lực đối với công việc còn nặng nề…
Trước thực trạng trên, đại biểu Siu Hương đề nghị các địa phương, Bộ ngành có nhiều công chức, viên chức xem xét, đánh giá lại các nguyên nhân để kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân.
Phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp
Cũng là người bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hay chuyển sang khu vực tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biêu tỉnh Bắc Kạn cho rằng, theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối Giáo dục là 16.000 người, khối Y tế là hơn 12.000 người.
Điều đáng lo ngại là trong một thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là điều không phải bình thường mà là một sự bất thường.
Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục có số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều cần làm rõ có những nguyên nhân là do đâu? Ngoài nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không?
Bởi vì khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Còn nếu như chỉ dừng lại ở một góc độ là nguyên nhân chưa đầy đủ, đánh giá chưa hết thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ chiến lược cho giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Đại biểu Tráng A Dương.
Ngành giáo dục, không chỉ thiếu giáo viên mà còn thiếu cả trường lớp
Liên quan đến việc đầu tư cho giáo dục, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận bày tỏ quan điểm, hiện nay trong ngành hiện còn thiếu nhiều giáo viên ở cấp học Mầm non và phổ thông.
Việc giải ngân các gói hỗ trợ cho các hạng mục về đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất cho hệ thống trường lớp còn chậm nên nhiều địa phương còn thiếu trường lớp học, đặc biệt là ở các khu công nghiệp còn thiếu hệ thống trường Mầm non.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân các hạng mục đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt cho các địa phương để đầu tư cho hệ thống giáo dục.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại những hạng mục nào cần đầu tư, cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, những hạng mục nào cần sự huy động, đóng góp của xã hội.
Cho ý kiến về tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: Hiện nay, ở cấp Tiểu học đang có tình trạng thiếu giáo viên các môn: Tin học và tiếng Anh.
Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn và còn xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn.
Trước thực tế trên, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra số liệu cụ thể, đánh giá và phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu ở Tổ 3 cũng cho ý kiến về tình trạng thiếu thuốc men ở các cơ sở y tế; vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế; đánh giá quá trình tự chủ ở một số bệnh viện công lập; công tác phòng chống buôn bán người ra nước ngoài…
Đề nghị đánh giá thật khách quan tình trạng công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc
Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân có hiện tượng tăng cao: Tính 2,5 năm qua, có khoảng 39.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư nhân hoặc nghỉ việc.
Có quan điểm cho rằng, việc đó là việc bình thường, nhưng cử tri rất quan tâm, cũng có ý kiến cho rằng có yếu tố không bình thường.
Vì vậy, đề nghị cần có đánh giá một cách thật khách quan nào, phần nào là bình thường, phần nào là không bình thường để chúng ta nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ về tình trạng này.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, trong 2 năm vừa qua số lượng tăng rất cao như vậy thì rõ ràng có một phần bình thường nhưng cũng có một phần không bình thường. Chúng ta phải có một nhìn nhận thật khách quan và đầy đủ cho yếu tố này để chúng ta có giải pháp cho phù hợp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ về chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thời điểm tăng mức học phí... để từ đó đề xuất các giải pháp.