COVID-19 khiến đàn ông yếu hơn?
Đại dịch COVID-19 là một gánh nặng cho hệ thống kinh tế, xã hội, giáo dục và đặc biệt là ngành y tế toàn cầu. Các tác động ngắn hạn và dài hạn của dịch bệnh này vẫn còn được nghiên cứu, trong đó có vấn đề sức khỏe sinh sản nam giới.
Cùng điểm lại một số nghiên cứu về mối liên quan giữa COVID-19 và sức khỏe nam giới:
Nam giới dễ bị mắc COVID-19 hơn nữ
Một nghiên cứu hồi cứu từ hơn 20.000 bệnh nhân COVID-19 được tiến hành ở Anh vào năm 2020 cho thấy 60% bệnh nhân mắc COVID-19 là nam giới. Đáng báo động hơn, một nghiên cứu tổng quan dựa trên 48 báo cáo từ 16 dữ liệu nghiên cứu cho thấy nam giới có nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí tử vong nhiều hơn so với phái nữ, theo Trung tâm thông tin công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI).
'Tương tự các bệnh cảm cúm, triệu chứng của người bị nhiễm COVID-19 thường gặp là sốt và đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sốt siêu vi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tinh trùng do nhiều cơ chế tác động khác nhau và COVID-19 không phải là ngoại lệ", bác sĩ Vũ Đức Công (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health) cho biết.
Ảnh hưởng lên hoạt động của tinh hoàn
Một vài nghiên cứu so sánh giữa nồng độ testosterone của nam giới khỏe mạnh và nam giới nhiễm COVID-19 cho thấy kết quả chưa thống nhất. Nghĩa là một số kết quả cho thấy nồng độ testosterone giữa người nhiễm và người khỏe mạnh không thay đổi; một số lại cho thấy người bị nhiễm COVID-19 có nồng độ testosterone suy giảm, đặc biệt ở người bị nhiễm nặng thì nồng độ LH lại tăng.
LH là một hóc-môn điều hòa việc chế tiết testosterone của tinh hoàn. Điều này cho thấy nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng chế tiết testosterone của tinh hoàn hơn là ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên điều hòa hoạt động nội tiết của tinh hoàn.
Ảnh hưởng chức năng sinh sản nam giới
Có nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm virus có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới như: HPV (tác nhân gây sùi mào gà và các sang thương tiền ung thư), HSV (tác nhân gây mụn rộp sinh dục), virus gây viêm gan B, viêm gan C và đặc biệt là quai bị gây teo tinh hoàn sau biến chứng viêm tinh hoàn. Do đó, nam giới cần quan tâm và tầm soát chức năng sinh sản sớm để có hành động kịp thời nếu đã nhiễm các virus này.
Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy sự hiện diện của virus corona trong mẫu tinh dịch của nam giới bị nhiễm, tuy nhiên một nghiên cứu tiến hành trên 34 nam giới tại Bệnh viện Đại học Duesseldorf, Đức vào năm 2020 cho thấy nhóm bệnh nhân bị nhiễm virus có mật độ, tổng số tinh trùng, độ di động suy giảm đáng kể so với nhóm nam giới khỏe mạnh.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng đáp ứng viêm ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 tạo một stress oxy hóa có thể dẫn đến đứt gãy DNA trong tinh trùng - điều này có thể làm giảm khả nặng thụ thai tự nhiên, tăng nguy cơ sẩy thai.
Việc điều trị bằng các thuốc kháng virus như ribavirin cũng có thể làm giảm số lượng tinh trùng, tăng đứt gãy DNA trong tinh trùng đến 8 tháng sau khi ngưng điều trị.
"Tại thời điểm này, COVID-19 vẫn còn lan rộng và chưa có dấu hiệu ngừng hẳn. Dù những tác động của COVID-19 đến chức năng sinh dục và chức năng sinh sản của nam giới vẫn chưa rõ, việc tầm soát chức năng sinh sản sau khi khỏi bệnh là tối cần thiết, có thể giúp tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra về sau", bác sĩ Công cho hay.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm