Đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình điều trị thuốc kháng HIV
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình điều trị thuốc kháng HIV tại Việt Nam" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Nghệ An mới đây.
Việt Nam - điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Từ năm 2014, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã bắt đầu xây dựng các cơ chế đưa thuốc ARV từ các chương trình dự án sang chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Đến năm 2016, Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo một bước ngoặt to lớn trong việc chi trả quỹ BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS.
Nếu như năm 2016 tỷ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50% thì đến năm 2022 tỷ lệ này đã lên đến 95%. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS.
Ngoài ra, Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một số cơ chế rất đặc thù như thanh toán tập trung trong đó cơ quan Bảo hiểm thanh toán cho nhà cung ứng để đảm bảo việc điều phối thuốc trong giai đoạn đầu tiên. Quyết định cũng đã tạo cơ chế hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc ARV để giúp cho việc tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân.
Giải pháp cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS
Để cải thiện hơn nữa công tác cung ứng thuốc, Bộ Y tế giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đơn vị đầu mối đánh giá Quyết định 2188 để có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ định hướng giải pháp cung ứng thuốc trong thời gian tiếp theo.
TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, kể từ khi viên thuốc ARV được Quỹ BHYT kê đơn tại các cơ sở điều trị vào ngày 8/3/2019 đến nay trung bình mỗi năm Quỹ BHYT chi trả cả dịch vụ KCB và thuốc ARV lên tới 400 tỷ mỗi năm. Năm 2022 và 2023 dự kiến riêng thuốc ARV nguồn BHYT lên tới hơn 400 tỷ mỗi năm.
Tuy nhiên sau 3 năm thực hiện Quyết định 2188 đã có một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề cung ứng thuốc ARV nguồn mua sắm tập trung bị chậm qua các năm. Việc chậm cung ứng thuốc đã làm khó khăn cho việc kê đơn tại các cơ sở điều trị, việc điều phối thuốc từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và đặc biệt là gián đoạn điều trị của người bệnh.
Bên cạnh đó, người nhiễm HIV lo sợ kỳ thị phân biệt đối xử nên không muốn tham gia BHYT. Việc đảm bảo tham gia BHYT liên tục cho nhóm người nhiễm HIV là công nhân lao động, nhóm lao động ngoại tỉnh, không có mã số định danh là rất khó khăn. Đối với nhóm mất giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác định danh tính, phạm nhân mới ra tù cũng rất khó tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc yêu cầu cung cấp thông tin khi mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV theo hộ gia đình cũng khiến việc tham gia BHYT càng khó khăn hơn.
Với sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn liên tục được cập nhật giúp cho việc cung ứng thuốc được thuận lợi hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được các chuyên gia chia sẻ về phương pháp lập kế hoạch nhu cầu, quản lý, sử dụng thuốc ARV mua sắm tập trung cấp quốc gia; những vướng mắc trong cung ứng thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế và lộ trình hoàn thiện căn cứ pháp lý hướng dẫn đấu thầu, quản lý, sử dụng thuốc ARV của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; tiếp cận thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT – Góc nhìn từ cộng đồng và định hướng các nội dung sửa đổi Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2022 quy định việc quản lý thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia.
Các đại biểu cũng cùng trao đổi và thảo luận về các nội dung: Lập kế hoạch nhu cầu thuốc ARV; phương thức thanh quyết toán; cơ chế thanh toán phần chi phí cùng chi trả thuốc ARV; phân cấp mua sắm thuốc ARV và nội dung sửa Thông Tư 22/2020/TT-BYT…
Tại Hội thảo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cũng đề nghị: Các tỉnh/thành phố trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc khó khăn đặc biệt là các kiến nghị trong công tác quản lý sử dụng và cung ứng thuốc cũng như các văn bản hướng dẫn để Cục Phòng, chống HIV/AIDS có căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp phù hợp tiếp theo.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người