CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Đẩy mạnh phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ cao

Tăng ca mắc ở nhóm quan hệ đồng giới

Là địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển năng động nên công tác phòng, chống bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS ở Khánh Hòa luôn được quan tâm sâu sát.

Thống kê đến giữa năm 2022, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.723 trường hợp; lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong là 1.301.

Đẩy mạnh phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ cao - Ảnh 1.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa luôn tiếp nhận tư vấn tận tình cho người nhiễm HIV

Hiện 1.422 trường hợp người nhiễm HIV đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,22% dân số. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 88,9%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Riêng từ đầu năm đến 30/6 đã xét nghiệm và phát hiện 59 người nhiễm HIV mới, đồng thời có 10 bệnh nhân AIDS tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, các trường hợp nhiễm HIV được phối hợp quản lý chặt chẽ. Hướng dẫn bệnh nhiều điều trị theo đúng phác đồ của ngành y tế.

Hai năm nay, qua công tác xét nghiệm cho thấy số người nhiễm HIV mới trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam ở Khánh Hòa luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa đã đặc biệt chú trọng trong nhóm này.

Đẩy mạnh phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ cao - Ảnh 2.

Thuốc dùng cho người nhiễm HIV/AIDS luôn được cấp đầy đủ

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì dấu hiệu nhiễm HIV thường xuất hiện vào các thời điểm khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể không thấy bất cứ biểu hiện nào ảnh hưởng tới sức khỏe, một số dù đang mang trong mình căn bệnh HIV nhưng vẫn sống khỏe mạnh trong nhiều năm. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng ta khó có thể xác định ai đó bị nhiễm HIV bởi các triệu chứng của HIV tương tự như bệnh cảm cúm hoặc bạch cầu đơn nhân. Một khi hệ miễn dịch bị tấn công mãnh liệt bởi vi rút, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: Cơ thể quá mệt mỏi, kiệt sức. Sụt cân không kiểm soát. Sốt kéo dài nhiều tuần và không rõ nguyên nhân. Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Sưng hạch bạch huyết. Táo bón kinh niên. Lở loét miệng/thực quản. Nhiễm trùng, phát ban. Ho kéo dài…Vậy nên việc xét nghiệm HIV/AIDS có vai trò rất quan trọng. Cần xét nghiệm sớm nếu có dấu hiệu. Nhất là với các nhóm nguy cơ như: Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su; quan hệ đồng giới nam…

Đẩy mạnh phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ cao - Ảnh 3.

Những người có nguy cơ mắc HIV cao nên đi xét nghiệm sớm

BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Khánh Hòa chia sẻ: "Điều khó khăn trong phòng ngừa lây nhiễm trong nhóm này là rất khó tiếp cận, họ lại có nhiều bạn tình...Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp giữa các đồng đẳng viên và nhân viên y tế... tăng cường truyền thông về nguy cơ lây nhiễm HIV, cách phòng ngừa và điều trị dự phòng...tình trạng này đã và đang dần được cải thiện. Người mắc bệnh không còn tâm lý chán nản hay tự ti như trước nữa mà chú trọng đến việc chăm lo sức khỏe cho mình hơn".

Xóa dần kỳ thị

 

Tại Khánh Hòa, nhân viên y tế ngay từ tuyến cơ sở đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV xóa bỏ mặc cảm, điều trị đúng phác đồ để ổn định đời sống. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV còn tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức cho những người có nguy cơ.

Anh Nguyễn, từng nhiều năm làm tuyên truyền, giúp đỡ các đối tượng nguy cơ nhiễm HIV cho biết: Người nhiễm HIV hãy xóa bỏ mặc cảm. Đó là căn bệnh có thể phòng lây nhiễm cho người khác được. Khi không may mắc phải thì cộng đồng cần sẻ chia với người nhiễm để động viên giúp họ không mặc cảm. Từ đó họ nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, người xung quanh. Thực tế ở Khánh Hòa việc phân biệt, kỳ thị người nhiễm HIV dường như đã được xóa bỏ. Bên cạnh đó thì duy trì điều trị bằng thuốc được tiến hành cấp phát đủ, thường xuyên.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm HIV do quan hệ đồng tính chia sẻ, đã tiếp cận thuốc điều trị rất dễ dàng. Liên hệ ngay từ tuyến xã đã được hướng dẫn tận tình. Từ đó củng cố thêm niềm tin cho người bệnh.

Cùng với việc cởi bỏ mặc cảm, người đồng tính cần bảo vệ an toàn cho mình và bạn tình khi sử dụng đầy đủ các biện pháp, dụng cụ phòng ngừa như: Dùng bao cao su, không tiêm chích ma túy, không quan hệ bữa bãi khi phát hiện nhiễm HIV…Các bậc phụ huynh, người thân khi có con em đồng giới nhiễm HIV nên động viên điều trị bằng thuốc ARV ngay từ đầu, xem người nhiễm là bệnh nhân đặc biệt để chăm sóc chu đáo, tránh kỳ thị.

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới, anh B (Vạn Ninh, Khánh Hòa) lúc đầu cũng tự ti không dám quay về nhà, càng lang bạt sức khỏe càng suy kiệt. Nhiều lần muốn buông xuôi cho đến khi được nhân viên y tế, tình nguyện viên tư vấn, hướng dẫn điều trị bằng thuốc thì giờ đây sức khỏe của anh đã ổn định trở lại. Anh đã   tự tin hơn để vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, đa số các nhóm nguy cơ, trong đó có nhóm quan hệ đồng giới nam ở Khánh Hòa cơ bản đã hiểu rõ cách thức lây lan của HIV/AIDS cũng như phương thức, tác dụng của điều trị sớm để ổn định sức khỏe cho mình cũng như tránh lây nhiễm cho người thân.

Một số đồng đẳng viên thường xuyên tiếp cận tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho người đồng giới chia sẻ thêm rằng: Để bệnh nhân hoàn toàn tự tin điều trị thì cần có nhiều cách tiếp cận và truyền thông khác nhau để họ hiểu dần về căn bệnh của mình. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở từng khu vực trên địa bàn.

Đồng thời giúp người bệnh hiểu rõ về tác dụng của việc điều trị và được tư vấn kịp thời. Hiện nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa có đầy đủ các bộ phận cấp thuốc, xét nghiệm…nên khi người nhiễm bệnh được tư vấn đến đó họ cũng rất an tâm. Được điều trị chu đáo, cải thiện sức khỏe là niềm vui chung của tất cả bệnh nhân có HIV. Họ được hòa nhập cộng đồng, sinh sống và làm việc như tất cả mọi người.

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS