Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lập đỉnh 15 năm
Theo số liệu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật, sau đợt tăng giá đầu tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn mức đỉnh của đợt sốt giá hồi tháng 8 năm nay và bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 653 USD/tấn, cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt 93 USD và 90 USD/tấn.
Gạo tấm 25% của Việt Nam hiện giao dịch ở mức 638 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 118 USD và 150 USD/tấn.
Kể từ cuối tháng 6, giá gạo xuất khẩu trải qua rất nhiều lần tăng và tính đến nay đã tăng trên 150 USD/tấn.
Cụ thể, vào ngày 21/6, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 498 USD/tấn, hiện loại này đã tăng thêm 155 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 478 USD/tấn, tăng 160 USD/tấn.
Cùng với giá gạo xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng chưa dừng tăng. Các đại lý gạo tại Hà Nội cho biết, giá gạo bán lẻ từ thời điểm cuối tháng 6/2023 đến nay chỉ tăng, có giai đoạn tăng mạnh, tăng nhẹ khác nhau và rất ít khi giảm.
Ông Trần Trí Hiếu, chủ đại lý gạo Ngọc Phúc (Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin, giá mỗi yến gạo đã tăng khoảng 35.000 - 45.000 đồng kể từ cuối tháng 6/2023.
“Mấy ngày nay, giá gạo vẫn đang tăng nhưng tăng nhẹ, chỉ vài đồng mỗi kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 cho đến nay, giá gạo bán lẻ đã tăng liên tục. Giá các loại gạo quê tăng 35.000 - 45.000 đồng/yến tùy từng loại. Ví dụ như gạo Bắc Hương đã tăng 35.000 đồng/yến, gạo Hải Hậu tăng 45.000 đồng/yến”, ông Hiếu dẫn chứng.
Giá bán lẻ một số loại gạo đã tăng đến 45.000 đồng/yến so với cuối tháng 6/2023.
Giá gạo tăng cao khiến công việc kinh doanh của các tiểu thương bán lẻ gạo trở nên khó khăn hơn bởi mỗi yến gạo bây giờ chỉ lãi được khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Số lãi này khá eo hẹp so với chi phí vận chuyển và kho bãi mà tiểu thương phải chi phí.
Với việc giá gạo xuất khẩu ngày càng tăng, ông Hiếu dự báo giá gạo từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các doanh nghiệp là do chất lượng gạo ngày càng cao và nhu cầu của thị trường thế giới lớn.
Trước đó, Ấn Độ dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn chưa có điều chỉnh, lệnh cấm vì thế có thể kéo dài đến hết tháng 2/2024. Vì vậy, thế giới vẫn hụt 40% nguồn cung từ nước này.
Số liệu vừa công bố của hải quan, cho thấy 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hơn 7,1 triệu tấn gạo, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2022, vượt kế hoạch đầu năm (6,5 triệu tấn).
Riêng tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với sản lượng xuất khẩu tăng vượt bậc, hết năm nay, xuất khẩu gạo dự báo có thể đạt tới 7,8 triệu tấn - mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tăng cường quản lý thuốc lá trong giới trẻ
- Từ 1/6, Hà Nội miễn phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID
- Người 21 lần hiến máu và không ngừng "truyền lửa" đến cộng đồng
- Giá vàng SJC tăng 'điên cuồng' bất chấp mọi can thiệp
- Sân bay nóng như 'chảo lửa' có ảnh hưởng đến các chuyến bay?
- Quá khủng khiếp: 110 kỷ lục nắng nóng bao trùm kỳ nghỉ lễ
- Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
- Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp 30/4-1/5
- Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?
- Siêu mẫu Minh Tú mặc váy cưới xuyên thấu, gợi cảm bên bạn trai ngoại quốc
- Những chiến sĩ blouse trắng lặng thầm tỏa sáng
- Đề xuất mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ 1/7/2024