Giá xăng tăng liên tiếp và những nỗi lo
Tại kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng E5 RON 92 tăng 140 đồng/lít, lên 23.470 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít, lên 24.870 đồng/lít. Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 6 liên tiếp mặt hàng nhiên liệu này tăng giá, trong đó có những lần tăng rất mạnh.
Giá xăng đã tăng 6 lần liên tiếp trong 6 lần điều hành giá xăng dần đây. Ảnh: Công Hùng
Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/8 - 4/9) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Cụ thể, dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn do Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và việc Arab Saudi được dự đoán sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+.
Theo cơ quan quản lý, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá là 103,2 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng 0,47% so với kỳ trước); 109,1 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 0,69% so với kỳ trước).
Việt Nam có công thức tính giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần và trong chuỗi 10 ngày này, có 8 ngày giá dầu lên, nhưng chỉ có 2 ngày giá dầu giảm. Như vậy, cơ quan quản lý vẫn phải cộng giá tất cả các ngày lại rồi chia bình quân 10 ngày để ra giá bán lẻ xăng dầu. Nếu giá dầu vẫn tăng so với trước kỳ điều hành thì sẽ được áp vào công thức để tính giá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập, đồng thời không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng. Phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Phân tích về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho biết, giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ nhất với giá xăng dầu của thị trường Singapore vì nhập khẩu trực tiếp từ đó, không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Vì vậy, khi giá thế giới có sự tăng giảm, giá trong nước sẽ biến động theo tương ứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giá dầu thô thế giới giảm nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn có thể tăng bởi vì biến động muộn hơn giá dầu thô khoảng 30 ngày, chưa kể cơ quan quản lý dùng các công cụ thuế phí theo từng giai đoạn để điều chỉnh mức tác động với thị trường trong nước.
Hiện hữu nguy cơ ảnh hưởng mạnh tới mặt bằng giá
Xăng dầu là một trong những mặt hàng rất quan trọng trong giỏ hàng hóa và có tác động rất lớn đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, xăng dầu là một trong những mặt hàng được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất.
Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Với sự đóng góp lớn đó, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao không tránh khỏi gây lo ngại sẽ tác động vào mặt bằng giá chung. Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng, chắc chắn cước vận tải tăng theo. Giá cước tăng sẽ đẩy giá thành các sản phẩm tăng, đây sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh.
Chưa kể, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội, khả năng phục hồi và phát triển kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn đang điều hành giá xăng dầu theo hướng sử dụng linh hoạt các công cụ như Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là giảm thuế, phí để giảm đà tăng của giá xăng dầu.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tăng cường quản lý thuốc lá trong giới trẻ
- Từ 1/6, Hà Nội miễn phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID
- Người 21 lần hiến máu và không ngừng "truyền lửa" đến cộng đồng
- Giá vàng SJC tăng 'điên cuồng' bất chấp mọi can thiệp
- Sân bay nóng như 'chảo lửa' có ảnh hưởng đến các chuyến bay?
- Quá khủng khiếp: 110 kỷ lục nắng nóng bao trùm kỳ nghỉ lễ
- Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
- Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp 30/4-1/5
- Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?
- Siêu mẫu Minh Tú mặc váy cưới xuyên thấu, gợi cảm bên bạn trai ngoại quốc
- Những chiến sĩ blouse trắng lặng thầm tỏa sáng
- Đề xuất mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ 1/7/2024