Giang mai - 'Bạn đồng hành' của HIV, phòng ngừa thế nào?
Nguyễn Hồ Duy Tâm, Trưởng nhóm Tư vấn hỗ trợ cộng đồng trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Trong nhóm MSM mà Tâm quản lý, cứ 10 bạn thì tới 7 bạn có STI (bệnh lây truyền qua đường tình dục). Do quan hệ tình dục không an toàn nên rất dễ bị lây STI như giang mai, sùi mào gà, HIV… Uống PrEP chỉ phòng ngừa lây nhiễm HIV, nên ở nhóm chị em ‘hành nghề’ cũng có tỷ lệ nhiễm STI rất cao.
1. Bệnh giang mai lây truyền như thế nào?
Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum), có hình lò xo. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Giang mai lây khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai trong lúc quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay miệng. Vết loét có thể xuất hiện quanh dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, môi hoặc miệng. Người mẹ bị giang mai cũng có thể lây truyền bệnh sang thai nhi.
Nếu không được điều trị, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Đau đầu, đột quỵ, viêm màng não, mất thính lực; sa sút trí tuệ, mù lòa, hỏng van tim, tăng đáng kể nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc tử vong trẻ sơ sinh trong vòng một vài ngày sau khi sinh và nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 2-5 lần.
Thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 - 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
2. Tác động qua lại giữa bệnh giang mai và HIV
Nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là quan hệ với người bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là các bệnh có loét ở sinh dục (giang mai, herpes, HPV, hạ cam…). Ở đâu có tỉ lệ các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao ở đó có sự gia tăng HIV.
Có thể nói giang mai vừa là "bạn đồng hành", vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV. Hay nói cách khác các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người. Chính vì vậy người ta cũng coi HIV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm nhất.
3. Có thể trị dứt điểm bệnh giang mai không?
Có thể điều trị dứt điểm bệnh giang mai bằng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, bị bệnh giang mai một lần sẽ không bảo vệ bạn khỏi bị lần nữa. Ngay cả sau khi đã chữa trị dứt điểm thì bạn vẫn có thể bị tái phát. Chỉ có xét nghiệm phòng lab mới xác nhận được bạn có bị giang mai hay không.
Do vết loét giang mai có thể ẩn trong âm đạo, hậu môn, và dưới bao quy đầu dương vật, hay trong miệng, nên bạn có thể không biết bạn tình bị giang mai. Nếu không biết rõ (các) bạn tình của mình đã xét nghiệm và được chữa trị, bạn có thể có nguy cơ bị giang mai lại từ bạn tình không được chữa trị.
4. Phòng giang mai và HIV như thế nào?
Giang mai và HIV có cơ chế lây truyền giống nhau là qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con.
Để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai, bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn; sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục, đặc biệt khi quan hệ tình dục với các bạn tình mà không biết tình trạng nhiễm HIV hoặc giang mai của họ; chung thủy một vợ - một chồng và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm vấn đề bất thường,
Yêu cầu xét nghiệm HIV đồng thời với xét nghiệm sàng lọc giang mai định kỳ cũng là cần thiết để đảm bảo không mắc các bệnh này hoặc nếu mắc bệnh sẽ điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng cũng như không làm lây truyền bệnh cho người khác.
Một điều cần lưu ý là hiện nay có thuốc kháng virus điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV, tuy nhiên thuốc này không dự phòng được giang mai và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, viêm gan… Do vậy thực hiện tình dục an toàn hay sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu với cả giang mà và HIV.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người