Hiệu quả phòng chống HIV/AIDS ở quận Nam Từ Liêm
Theo chia sẻ của N.T.T, cô phát hiện mình mắc HIV/AIDS khi sinh con thứ 2 vào năm 2018. Điều này làm cô rất sốc, và dường như bị trầm cảm 6 tháng sau sinh. Điều an ủi nhất và động lực của T. là con cô có kết quả xét nghiệm âm tính.
Chị N.T.T hồi hộp chờ kết quả lần xét nghiệm lần thứ 2 cho con
Hơn 1 năm trở lại đây, N.T.T rời quê Yên Bái để về Hà Nội sinh sống, và kết hôn với người chồng mới. Khi đó, cô đã đến Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm để được tư vấn, đăng ký nhận thuốc ARV. Do tự nguyện mua thẻ BHYT nên toàn bộ số thuốc đều được Quỹ BHYT chi trả, đã đỡ phần nào gánh nặng kinh tế cho cô. Một điều nữa là chồng mới của T cũng mắc HIV/AIDS nên dù muốn sinh con, cô rất lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh cho em bé. “Các bác sĩ ở Trung tâm đã động viên và giải thích cho tôi về nguy cơ lây nhiễm thấp nếu tôi tuân thủ uống thuốc. Và suốt quá trình mang thai, tôi được theo dõi, hỗ trợ tôi rất nhiều. Lúc bình thường thì khoảng 2 – 3 tháng tôi mới lấy thuốc một lần, từ khi mang thai, tháng nào tôi cũng đến lấy thuốc. Lúc gần hết thuốc, các y bác sĩ đã gọi điện cho tôi để nhắc nhở và hẹn ngày lấy thuốc. Đến nay, con tôi đã được 2 tháng 8 ngày, xét nghiệm HIV lần 1 đã cho kết quả âm tính, tôi đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 khi em bé được 45 ngày tuổi”, chị N.T.T chia sẻ.
Chị T. là một trong 12 bà mẹ sau sinh mắc HIV đang được theo dõi, và nhận thuốc ARV trong năm 2022 tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. “Đáng tiếc nhất là trong số các em bé được sinh ra thì có 1 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nguyên nhân là người mẹ được phát hiện mình mắc HIV ở thời điểm muộn, khi đến với Trung tâm và thai đã ở tuần thứ 28. Những bà mẹ còn lại được tư vấn uống đủ thuốc, đúng giờ, tuân thủ điều trị nên các con sinh ra đều khỏe mạnh”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho hay.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, hiện nay Trung tâm đang quản lý, theo dõi 1691 mắc HIV/AIDS, trong đó có 99,8% bệnh nhân có BHYT. Trung tâm cũng là một trong những cơ sở y tế đầu tiên triển khai thí điểm thanh toán BHYT đối với bệnh nhân HIV. Thời gian đầu rất khó khăn vì nhiều người có điều kiện kiện kinh tế nhưng không muốn mua BHYT vì không muốn bị tiết lộ danh tính. Các anh chị em ở Trung tâm phải giải thích, thuyết phục và tư vấn để họ mua. Đến nay, số lượng người có H có thẻ BHYT đã tăng lên rất nhiều. Một số người chưa có thẻ BHYT vì bị thất lạc chứng minh thư hoặc căn cước công dân, hay kinh tế khó khăn, với các đối tượng này, Trung tâm cũng cố gắng nhờ các bên liên quan hỗ trợ để có mua thẻ BHYT cho bệnh nhân AIDS.
Một khách hàng uống thuốc Methanol tại TT Y tế quận Nam Từ Liêm
Trong 9 tháng đầu năm, quận Nam Từ Liêm đã phát hiện thêm 160 bệnh nhân nhiễm virus HIV mới, là một con số khá lớn cho một quận – huyện. “Đây là nỗ lực của các anh chị em trong Trung tâm vì khi phát hiện người nhiễm mới và được quản lý chặt chẽ thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sẽ giảm đi”, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Điều đáng nói là, số bệnh nhân HIV/AIDS ở nhóm MSM (đồng tính nam) ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân. Trước kia chỉ có khoảng 200 người thì tăng dần lên 300, 400, và hiện nay là hơn 500 bệnh nhân. Không chỉ quản lý người bệnh nhiễm HIV/AIDS, hiện nay, Trung taam cũng cấp phát thuốc Methadone miễn phí cho 332 người; điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc PrEF cho hơn 400 người… Với số lượng 9 y bác sĩ tại TT, khối lượng công việc của mỗi nhân viên y tế là khá lớn, mỗi ngày ngoài các công việc khám chữa bệnh thường xuyên, còn phải tiếp khoảng 500 người đến uống Methadone, lấy thuốc ARV hoặc Pref. Tuy nhiên, các bệnh nhân, đối tượng khách hàng của Trung tâm đều cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, tư vấn tận tình của các y bác sĩ, không bị kỳ thị, giúp họ yên tâm tuân thủ uống thuốc đều đặn, giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cũng như kịp thời phát hiện những bệnh nhân mới. Ngay cả thứ 7 – Chủ nhật, Trung tâm vẫn mở cửa để cấp phát thuốc cho các bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, ngoài xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B, C, lao là dịch vụ thường quy, năm 2022, với sự hỗ trợ của Trường ĐH Y Hà Nội, Trung tâm bắt đầu khám trầm cảm ở các bệnh nhân với mong muốn không chỉ điều trị bệnh mà còn cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho sức khỏe người bệnh.
QUỲNH HOA(baovanhoa.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người