HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS, ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM HIV GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THUỐC ARV NGUỒN BHYT
.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Viện, Bệnh viện, các tổ chức quốc tế cùng Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật/đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS của 63 tỉnh/thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Mark Trogger, Giám đốc điều phối Chương trình PEPFAR tại Việt Nam, đã đánh giá cao và gửi lời chúc mừng Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã rất xuất sắc trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID 19, đồng thời đảm bảo chương trình phòng, chống HIV/AIDS không bị gián đoạn đặc biệt trong thời điểm khó khăn nhất vào đầu năm 2020. Năm 2020, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, có thể kể đến: Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được Quốc hội thông qua; Thông tư 20 được chấp thuận, trong đó có TLD trong danh sách thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. TLD đã được chứng minh là một loại thuốc ưu việt cho những người nhiễm HIV. Đưa PrEP (thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV) đến những người cần nó nhất. Dịch bệnh HIV/AIDS đã được kiểm soát. Kết quả này được minh chứng bằng tỷ lệ rất cao là 95% người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đây là một trong những tỷ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. PEPFAR mong đợi tiếp tục hợp tác và hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và phấn đấu đạt được mục tiêu 95-95-95 trong những năm tới, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS báo cáo những thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng các văn bản pháp luật; Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, bổ sung đã Quốc hội thông qua ngay trong 1 kỳ họp, và đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế năm 2020. Ngoài Luật PC HIV/AIDS sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Năm 2020 là năm rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được tổ chức triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao, đặc biệt là mở rộng triển khai xét nghiệm, phát hiện mới 13.000 người nhiễm HIV; duy trì điều trị Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân; mở rộng điều trị PrEP cho trên 13.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng điều trị thuộc nhóm đầu thế giới… đạt được các chỉ tiêu chuyên môn đã đề ra.
Bên cạnh các thành tựu, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp; lây nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm đa số; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây; số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, các nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS cũng bị cắt giảm.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phổ biến Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch vừa được Bộ Y tế phê duyệt ban hành tại Quyết định số 5154/QĐ-BYT ngày 11/12/2020. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2025, 72.000 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần; tỷ lệ người MSM được điều trị PrEP đạt 30%; tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80% và 100% các tỉnh/thành phố triển khai điều trị PrEP và được lồng ghép vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.
Ngày 02/12/2020, Thông tư số 22/2020/TT-BYT đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành quy định việc mua sắm tập trung thuốc quốc gia nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Thông tư này thay thế Thông tư 28/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 và Thông tư 08/2018/TT-BYT ngày 08/4/2018. Thay mặt ban soạn thảo, TS. Dương Thúy Anh, Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Thông tư gồm 4 chương, 18 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2021. Thông tư được ban hành nhằm: hài hòa lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc theo Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong lập nhu cầu sử dụng thuốc trại trung ương và địa phương (Cơ sở y tế, cơ quan đầu mối PC AIDS các tỉnh, thành phố, Sở Y tế, Cục PC HIV/AIDS); quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu ( Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia); Phân cấp trách nhiệm điều tiết thuốc kháng HIV cho các tỉnh, thành phố; Làm rõ quy trình thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm và nhà thầu; Đơn giản hóa quá trình thanh quyết toán phần cùng chi trả thuốc kháng HIV; Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện Thông tư 28/2017/TT-BYT và Thông tư 08/2018/TT-BYT.
Sau khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế được giao làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Nghị định sẽ trình thường trực Chính phủ trước ngày 10/6/2021 và thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn. Tại Hội nghị, các đại biểu được PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định với 5 Chương, 15 điều.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên hoan nghênh và biểu dương những thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong năm 2020. Năm 2020 là năm rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng các hoạt động PC HIV/AIDS vẫn được tổ chức triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng đề nghị tập trung quan tâm giải quyết một số nội dung sau:
Thứ nhất, Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt các văn bản quy hướng dẫn triển khai Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi trong tháng 6/2021, bao gồm 01 Nghị định; 01 Thông tư của Bộ trưởng BYT.
Thứ hai, đề nghị lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/TP cần đặc biệt quan tâm triển khai các hướng dẫn chuyên môn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về tư vấn, xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm, mở rộng chăm sóc, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền của địa phương phê duyệt Kế hoạch, đề án đảm bảo tài chính để chấm dứt dịch bệnh AIDS trong năm 2021 theo quy định tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, thuốc ARV nguồn viện trợ đang cắt giảm nhanh, nên từ năm 2019 chúng ta phải chuyển điều trị ARV sang nguồn Quỹ BHYT. Tuy nhiên, việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia phối hợp với Vụ Kế hoạch -Tài chính, Cục Quản lý Dược… đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá thuốc TLE 400mg và thuốc TLD, đảm bảo có thuốc cho người bệnh HIV/AIDS theo kế hoạch đề ra. Đề nghị Đề nghị Sở Y tế và cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh quan tâm đến việc cung ứng thuốc ARV cho người bệnh, đặc biệt là đảm bảo xây dựng nhu cầu thuốc sát với thực tế; quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc đúng theo quy định của pháp luật, không để tình trạng thuốc nơi thừa, nơi thiếu, chậm quyết toán thuốc ARV đã sử dụng cho người bệnh.
Thứ tư, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (gọi tắt là PrEP): Đây mà một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất thế giới hiện nay, giảm đến trên 90% nguy cơ bị nhiễm HIV, đặc biệt là cho những người có hành vi nguy cơ cao, như quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Chỉ tiêu quốc gia năm 2021 là 38.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP. Đề nghị các địa phương phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các Dự án tích cực triển khai thực hiện mục tiêu này để sớm kiểm soát tình hình dịch HIV trong cộng đồng MSM.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các vấn đề ưu tiên mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã nêu ra để Việt Nam có thể tiến đến Mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, trước mắt đề nghị các nhà tài trợ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ Bộ Y tế các giải pháp trong cung ứng thuốc ARV, bảo đảm người bệnh HIV/AIDS được điều trị ARV liên tục, không bị gián đoạn.
Hội nghị được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu tham dự.
Đại diện Bộ Công An phát biểu ý kiến
Đại diện tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Tiết mục trình diễn thời trang của các bạn cộng đồng
Nguyễn Vân(cục phòng chống HIV/AIDS)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người