Làm gì nếu nghi ngờ nhiễm HIV sau quan hệ tình dục?
HIV là bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch của con người, rất nguy hiểm và có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Để giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh xã hội này thì mọi người cần biết được những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV, các con đường lây truyền, nếu nghi ngờ nhiễm HIV thì phải làm gì đầu tiên cũng như những vấn đề khác liên quan đến căn bệnh này.
1. Nghi ngờ nhiễm HIV
HIV là virus gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của người bệnh, gây nên các tình trạng suy giảm miễn dịch, từ đó cơ thể sẽ mất đi sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh khác và lúc này, cơ thể sẽ dễ có nguy cơ mắc những bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm. Tính đến thời điểm hiện tại thì trên thế giới vẫn chưa tìm ra được vắc – xin phòng chống virus HIV, cũng không có phương pháp điều trị cho bệnh lý này nên việc chú ý đến những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV cũng như tầm soát nhiễm HIV là cách tối ưu nhất để ngăn chặn bệnh lý xã hội này.
Virus HIV lây lan chủ yếu qua đường tình dục, vì vậy trong quá trình quan hệ tình dục thì có khả năng sẽ bị nhiễm phải loại virus này. Nguyên nhân được giải thích là do tiếp xúc một cách trực tiếp với máu cũng như những loại dịch tiết của người nhiễm HIV.
Một số yếu tố khác tác động trong quá trình quan hệ tình dục đó là số lần hay cường độ quan hệ tình dục, quan hệ tình dục có làm các bộ phận sinh dục bị tổn thương và trầy xước hay không, nếu có thì có gây viêm nhiễm hay không và mức độ của tình trạng viêm nhiễm như thế nào, số lượng virus có trong tinh dịch hay người mang virus HIV đang mắc bệnh trong giai đoạn nào... Vì vậy, sau khi quan hệ tình dục với đối tượng đã nhiễm phải virus HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV thì cần đến ngay trung tâm phòng chống HIV-AIDS hoặc cơ sở y tế để được thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định có nhiễm virus HIV hay không, từ đó sẽ có phương pháp xử lý kịp thời.
Con đường lây truyền virus HIV có thể qua đường máu và từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ. Vì vậy, để ngăn chặn những tình trạng lây lan này thì trước tiên bố hoặc mẹ phải là những người có đời sống tình dục lành mạnh, hoặc phải sử dụng biện pháp phòng tránh an toàn trong khi quan hệ tình dục.
Một số biểu hiện nghi ngờ nhiễm HIV mà bệnh nhân cần lưu ý đó là:
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Sụt cân không tìm ra nguyên nhân
- Sốt liên tục trong nhiều ngày
- Ra mồ hôi nhiều vào buổi tối
- Hạch bạch huyết sưng to
- Táo bón nhiều ngày
- Xuất hiện vết loét ở miệng và thực quản
- Ho liên tục trong nhiều ngày
- Nổi ban
- Cơ thể có dấu hiệu của nhiễm trùng
Ngoài ra, một số trường hợp tuy không biểu hiện những triệu chứng trên nhưng lại có những nguy cơ cao nhiễm phải HIV đó là:
- Người quan hệ tình dục không dùng biện pháp phòng tránh
- Người quan hệ tình dục với đối tượng nhiễm HIV hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV
- Người sử dụng ma túy, dùng chung kim tiêm.
2. Nếu nghi ngờ nhiễm HIV phải làm gì đầu tiên?
Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc phải virus HIV hay nghi ngờ bị nhiễm HIV từ người khác thì cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện những biện pháp kiểm tra, tránh lây lan cho gia đình và những người xung quanh. Xét nghiệm HIV có thể thực hiện để kiểm tra khi nghi ngờ nhiễm HIV là xét nghiệm tìm ra kháng nguyên và kháng thể HIV có trong cơ thể người bệnh.
Thông thường, cần đến 2 tuần để phát hiện được kháng nguyên cũng như hơn 3 tuần để cơ thể có thể sản xuất ra đủ kháng thể, thậm chí có thể cần đến vài tháng đối với một số trường hợp đặc biệt. Vì vậy, virus HIV nếu xâm nhập vào cơ thể người bệnh thì cần có thời gian để chúng sính sôi và phát triển, hay còn gọi là giai đoạn cửa sổ, nếu xét nghiệm tìm kháng nguyên và kháng thể trong thời gian này thì rất khó để chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm virus HIV hay không. Trên thực tế, những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV như đã quan hệ tình dục với người bị HIV/AIDS hoặc tiếp xúc với máu người bệnh HIV thì kết quả xét nghiệm ngay sau khi quan hệ tình dục thường là âm tính và điều này có khả năng không chính xác hoàn toàn, còn được gọi là âm tính giả.
Vì vậy, theo những chuyên gia y tế thì thời điểm tối ưu nhất để xác định nhiễm HIV sau khi nghi ngờ bị nhiễm HIV là 3 tháng. Vì vậy, ngay sau khi xét nghiệm HIV âm tính thì bệnh nhân cần thực hiện lại xét nghiệm nhiều lần trong khoảng 1-3 tháng sau đó để chắc chắn về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Trong thời gian đó thì bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục, không dùng bơm tiêm chung, không tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV, nếu bệnh nhân trong trường hợp nguy cơ cao nhiễm HIV thì có thể được chỉ định dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV trong 3 ngày đầu.
Ngược lại, một số xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính giả. Cụ thể hơn, với những xét nghiệm sàng lọc được thực hiện bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc má hoặc giọt máu ở vị trí đầu ngón tay có thể xảy ra những phản ứng chéo với các loại virus khác nên cho kết quả dương tính HIV nhưng thật sự những bệnh nhân này không mang virus HIV trong cơ thể. Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện lại xét nghiệm kiểm tra HIV nhiều lần sau đó và có thể thực hiện một số xét nghiệm HIV chuyên sâu hơn để khẳng định chẩn đoán.
HIV là một trong những loại virus gây nên căn bệnh xã hội nguy hiểm hiện nay, có thể dẫn đến AIDS nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Vì vậy, khi có những yếu tố nghi ngờ nhiễm HIV hoặc cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nhiễm HIV thì bệnh nhân cần đến những trung tâm HIV để được hướng dẫn cách xét nghiệm kiểm tra HIV và những biện pháp phòng tránh.
Theo vinmec.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người