Lấy con người làm trung tâm để loại trừ dịch HIV và COVID-19
Báo cáo mới đây của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) cho thấy, những người sống chung với HIV phải đối mặt với nguy cơ kép là HIV và COVID-19, trong khi các nhóm dân số chính và trẻ em tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV.
Các nghiên cứu từ Anh và Nam Phi đã phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong do COVID-19 ở những người nhiễm HIV cao gấp đôi so với dân số chung. Ở châu Phi cận Sahara, nơi sinh sống của 2/3 (67%) người nhiễm HIV, dưới 3% đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 vào tháng 7/2021. Đồng thời, các dịch vụ phòng chống HIV và điều trị đang loại bỏ các nhóm dân cư chính, cũng như trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp thì vaccine COVID-19 có thể cứu sống hàng triệu người ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc các quốc gia và những tập đoàn giàu có giữ độc quyền sản xuất và phân phối nguồn vaccine vì lợi nhuận làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia “nghèo” hơn.
Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS cho biết: “Nhìn những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS, chúng ta thấy có hàng triệu người đã bị chết vì sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận điều trị. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được ”.
Báo cáo của UNAIDS cũng cho thấy, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng đến việc xét nghiệm HIV ở nhiều quốc gia, điều này làm giảm mạnh kết quả chẩn đoán HIVvà chuyển tuyến điều trị HIV. Điển hình như ở KwaZulu-Natal, Nam Phi, tỷ lệ xét nghiệm HIV đã giảm 48% sau khi lệnh cấm toàn quốc đầu tiên được áp dụng vào tháng 4/2020. Ít ca nhiễm mới được phát hiện và tỷ lệ bắt đầu điều trị cũng giảm rõ rệt. Điều này xảy ra khi 28. 000 nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng HIV được chuyển từ xét nghiệm HIV sang thực hiện công việc sàng lọc triệu chứng COVID-19 cho cộng đồng.
Việc xét nghiệm và điều trị HIV đã được nhân rộng trong 20 năm qua. Khoảng 27,4 triệu trong số 37,7 triệu người nhiễm HIV đã được điều trị vào năm 2020. Tuy nhiên, khoảng cách trong cung cấp dịch vụ cho trẻ em lớn hơn nhiều so với người lớn. Năm 2020, khoảng 800. 000 trẻ em từ 0-14 tuổi sống chung với HIV không được điều trị HIV. Tỷ lệ bao phủ điều trị là 74% đối với người lớn nhưng chỉ 54% đối với trẻ em vào năm 2020. Nhiều trẻ em không được xét nghiệm HIV khi mới sinh và không biết về tình trạng nhiễm HIV của mình, khiến việc tiếp cận chăm sóc, điều trị là một thách thức lớn.
Sự bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực cận Sahara châu Phi tiếp tục có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. Việc này đã cướp đi các quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm quyền được giáo dục, y tế và các cơ hội kinh tế. Điều này cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV của họ và ngăn cản khả năng tiếp cận các dịch vụ. Ở châu Phi cận Sahara, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ chiếm 25% tổng số ca nhiễm HIV mới mặc dù chỉ chiếm 10% dân số.
Ngoài ra, nghèo đói và thiếu trường học cũng là những rào cản lớn đối với các dịch vụ y tế và HIV. Người nghèo cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ và cắt bao quy đầu tự nguyện cho nam giới và trẻ em trai. Vào năm 2020, số ca cắt bao quy đầu tự nguyện cho nam giới giảm hơn 30% ở 15 quốc gia ưu tiên ở đông và nam châu Phi.
Nghèo đói cũng là một động lực của di cư, tác động nghiêm trọng đến việc tiếp cận các dịch vụ HIV và gây nguy hiểm tính mạng khi người di cư chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói với hy vọng được an toàn và an ninh kinh tế.
Bà Winnie Byanyima cho rằng, để giải quyết những vấn đề này chúng ta cần phải đặt trọng tâm trở lại vào việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Bất bình đẳng không tự nhiên xảy ra. Chúng là kết quả của chính sách và các hành động có lập trình để phân chia, thay vì các nhóm đối tượng đích bị gạt ra ngoài lề, và bị hình sự hóa vì bản dạng và biểu hiện giới, xu hướng tình dục và sinh kế của họ. Một nghiên cứu từ châu Phi cận Sahara cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm mại dâm là 39% ở các quốc gia hình sự hóa hoạt động mại dâm, trong khi đó ở các quốc gia nơi mại dâm được hợp pháp hóa một phần chỉ có 12%.
Thùy Chi
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người