CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Lý giải trường hợp đầu tiên được chữa khỏi HIV trên thế giới

Lý giải trường hợp đầu tiên được chữa khỏi HIV trên thế giới
Ông Timothy Brown.

Kiên cường chống chọi 2 căn bệnh chết người 

Ông Timothy Brown được chẩn đoán nhiễm HIV khi vừa đang là một phiên dịch viên ở Berlin, Đức vào năm 1995. Ngay sau đó, ông bắt đầu bước vào quá trình điều trị “căn bệnh thế kỷ”. Sau một thời gian trị xạ, sức khỏe của ông dần ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2007, ông Brown bắt đầu thấy người mệt mỏi và đi lại khó khăn. Kết quả thăm khám sau đó cho thấy ông bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy - một loại ung thư máu. 

Việc cấy ghép tế bào gốc được biết đến là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, trong trường hợp của Brown, bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông là Tiến sĩ Geru Huetter đã quyết định thử cách điều trị mới bằng cách sử dụng tế bào tủy gốc từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp là gen CCR5 khả năng đề kháng tự nhiên đối với virus HIV. Bác sĩ Huetter hy vọng việc cấy ghép thành công sẽ giúp hệ thống miễn dịch bị tổn thương với HIV của bệnh nhân được thay thế bằng tủy có thể chống virus đồng thời cũng giúp ông thoát khỏi bệnh bạch cầu.

Ca cấy ghép đầu tiên của ông Brown được tiến hành vào năm 2007 chỉ thành công một phần khi virus HIV của ông dường như đã biến mất nhưng bệnh bạch cầu thì không. Vì thế, ông đã được cấy ghép lần thứ hai từ cùng một người hiến tặng vào năm 2008 và ca cấy ghép đó dường như thành công. Năm 2008, ông Brown được xác nhận đã khỏi cả HIV và bạch cầu. 

Ông Timothy Brown mang trong mình 2 căn bệnh chết người là HIV và ung thư, hiện bệnh HIV của ông đã chữa khỏi bệnh. 

Sau khi được điều trị, ông Timothy Brown không cần sử dụng thuốc kháng virus ARV mà vẫn không phát hiện virus HIV trong cơ thể. Trường hợp này đã làm nên lịch sử trong ngành y khoa. Ông Brown trở thành biểu tượng hy vọng cho hàng chục triệu người đang sống chung với bệnh AIDS và được đặt cho biệt là “bệnh nhân Berlin”. 

Đột biến quan trọng

Để giải thích tại sao ông Brown thoát khỏi hoàn toàn virus HIV, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Emory ở Mỹ đã tiến hành thí nghiệm thử nghiệm trên 3 con khỉ có virus SHIV (loại virus được coi là HIV ở động vật). Cả 3 con khỉ này đều được trị xạ và cấy ghép tủy xương mới như quá trình điều trị cho ông Brown. 

Kết quả cho thấy, tại thời điểm mới tiến hành xong thí nghiệm, việc xạ trị có tác động rất tích cực. 99% tế bào CD4-T xâm nhập và trú ngụ của virus HIV bị giết chết, khiến virus không thể phát tán trong cơ thể và bị loại bỏ. Tuy nhiên, sau khi điều trị, khi các nhà nghiên cứu dừng điều trị ARV cho những chú khỉ, lượng virus SHIV tăng trở lại nhanh chóng ở 2 trong số 3 con vật thí nghiệm. Con khỉ thứ 3 vẫn còn virus HIV trong nhiều mô cơ thể khi nó chết. Điều này chứng tỏ 3 con vật thí nghiệm đã không được chữa khỏi bằng quá trình điều trị như của ông Brown. 

Từ thí nghiệm trên, các chuyên gia nhận thấy rằng, trên thực tế, việc trị xạ chỉ có tác dụng tiêu diệt virus HIV ở mức nhất định chứ không loại bỏ được chúng hoàn toàn. Nhân tố đã giúp tiêu diệt nốt các virus HIV còn sót lại trong cơ thể người bệnh nằm ở sự đột biến của tủy xương được cấy ghép. Hay nói cách khác, trong trường hợp của “bệnh nhân Berlin”, điều giúp ông này khỏi bệnh chính là đột biến di truyền trong tủy xương mà ông được hiến tặng. 

Theo các nhà nghiên cứu, tủy xương mà ông Brown được cấy ghép có khả năng gây đột biến Delta 32 trên tế bào miễn dịch CD4-T. Theo cách lý giải đơn giản của các nhà nghiên cứu, đột biến trên đã khiến thụ thể CCR5 của tế bào CD4-T bị thay đổi về hình thức, từ đó khiến virus HIV không thể nào xâm nhập vào và phá hủy tế bào này như trong cơ chế thông thường.

Một giả thuyết khác cũng được cho là hợp lý là hiện tượng đột biến Delta 32 khiến các tế bào miễn dịch mới của ông Brown tự tấn công và tiêu diệt tế bào CD4-T gốc của bản thân. Vì vậy, sau trị xạ và cấy ghép tủy xương, virus HIV không còn chỗ sinh sống trong cơ thể Brown và bị tiêu diệt. Từ trường hợp này, các bác sỹ cho rằng sự kết hợp trị xạ và gene đột biến kháng virus HIV có thể là chìa khóa dẫn tới việc chữa khỏi căn bệnh thế kỷ cho “bệnh nhân Berlin” nói riêng, cũng như các bệnh nhân nhiễm HIV trong tương lai.

Thêm những hy vọng mới

Sau thành công trong việc điều trị cho ông Timothy Brown, các chuyên gia cũng đã áp dụng phương pháp điều trị của ông cho một số người nhiễm HIV khác. Những năm trước, đã có 2 bệnh nhân dường như đã thoát khỏi HIV nhưng virus đã xuất hiện trở lại sau vài tháng và họ đều đã buộc phải sử dụng thuốc kháng virus trở lại. Một số nghiên cứu cho rằng, những người hiến tặng tủy xương trong các trường hợp này không có đột biến hiếm gặp ở gen CCR5 nên họ không được may mắn như ông Brown.

Mới đây nhất, hồi tháng 3 vừa qua, người được công nhận là bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được chữa khỏi HIV là ông Adam Castillejo - còn gọi là bệnh nhân London - đã quyết định công khai danh tính. Anh Castillejo được ghi nhận khỏi HIV vào năm ngoái, sau 18 tháng dừng điều trị thuốc kháng virus sau khi cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu. Truyền thông cho biết, Castillejo quyết định công khai danh tính vì muốn trở thành “đại sứ hy vọng”, đem đến hy vọng cho các bệnh nhân khác. Theo người đàn ông 40 tuổi này, ông nhiễm HIV từ năm 2003.

Khoảng 10 năm sau khi được chữa khỏi HIV, bệnh ung thư của ông Brown tái phát. Ông này sau đó đã được chăm sóc tại nhà riêng ở Palm Springs, California, Mỹ. Cuối tháng 9 vừa qua, ông đã ra đi ở tuổi 54. Người bạn đời của ông này nhấn mạnh nguyên nhân tử vong là do bệnh bạch cầu tái phát chứ không liên quan đến HIV. Các kết quả xét nghiệm cũng cho thấy virus HIV đã không bao giờ được phát hiện trong cơ thể ông sau khi được điều trị. 

Đến năm 2012, ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu myeloid cấp tính và phải ghép tế bào gốc. Đội ngũ y tế khi đó đã chọn một người hiến với tế bào gốc có 2 bản sao biến thể tạo ra các bạch cầu kháng HIV.

Người hiến tặng mang một đột biến cản trở khả năng virus HIV xâm nhập vào các tế bào, vì vậy việc cấy ghép về cơ bản đã thay thế hệ thống miễn dịch của ông Castillejo bằng một hệ thống kháng lại virus. Đây cũng chính là phương pháp điều trị cho ông Timothy Brown. Tuy nhiên, ngoài hóa trị chữa ung thư, ông Brown còn được xạ trị còn ông Castillejo thì không. 

Trên thực tế, vào mùa xuân năm 2019, các bác sĩ của ông Castillejo vẫn không thể chắc chắn rằng ông đã thực sự khỏi HIV và vẫn chưa dám dùng từ “chữa khỏi” mà chỉ gọi đó là “sự thuyên giảm” khi nói về tình trạng của ông. Chính vì vậy, việc xác nhận rằng phương pháp điều trị trên có thể chữa khỏi HIV đã khiến các nhà nghiên cứu phấn khởi. “Điều thực sự quan trọng là việc đó không phải chỉ xảy ra một lần”, ông Richard Jefferys - Giám đốc của tổ chức Treatment Action – nói.

Bà Sharon Lewin - Giám đốc Viện Doherty ở Melbourne, Australia – trong phát biểu sau khi ông Brown qua đời đã ca ngợi ông là “nhà vô địch”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với phương pháp cấy ghép tủy xương dù còn một số rủi ro nhất định. “Cộng đồng khoa học hy vọng một ngày nào đó có thể tôn vinh di sản của ông bằng chiến lược điều trị an toàn, hiệu quả và phải chăng, đủ khả năng tiếp cận rộng rãi để loại bỏ HIV, sử dụng phiên bản gene hoặc kỹ thuật tăng cường kiểm soát miễn dịch”, bà nói. 

Việc cấy ghép tế bào gốc hiện nay được đánh giá là không phù hợp với phần lớn các bệnh nhân nhiễm HIV vì liên quan đến quy trình xâm lấn kèm theo các nguy cơ. Tuy nhiên, tiến bộ của y học hiện nay giúp bệnh nhân sống với HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày để giảm tải lượng virus, đề phòng lây lan và giúp họ có cuộc sống năng động. 

Hà Dũng / Pháp luật 4 Phương
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS