Mẹ bé trai 8 tuổi tử vong nghi do học theo "thử thách Momo" vẫn chưa hết bàng hoàng: "Xem xong, tôi chỉ muốn vứt hết điện thoại trong nhà đi"
Thời gian gần đây, vụ việc bé trai 8 tuổi tử vong nghi do học theo thử thách Momo trên YouTube xảy ra ngày 21/11 đã khiến nhiều người bàng hoàng. Theo đó, tối 21/11, bé L. vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời.
Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc. Cổ áo nạn nhân vướng trên móc treo quần áo.
Gia đình liền đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Người thân bé L. cho hay bé rất hiếu động, thường thích móc áo, quần trên người vào cành cây để treo lủng lẳng thân mình.
Đến nay đã 3 tuần trôi qua, chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai (mẹ bé V.P.L) vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại buổi tối kinh hoàng ấy.
Chia sẻ với báo Đất Việt, chị Mai buồn bã cho biết, tối ngày 21/11, đi chăm chồng ở bệnh viện về, chị cùng ba cậu con trai ăn cơm. Sau khi dùng cơm xong, bé L. lấy quần áo đi tắm như mọi khi. Tuy nhiên, sau 30 phút mà vẫn chưa thấy con tắm ra, chị Mai đã vào gọi bé nhưng không nghe trả lời.
"Tôi với anh hai nó kêu hoài mà nó không mở cửa. Anh nó còn nói 'em còn đứng đó kìa, sao em không mở cửa cho mình'. Thấy nghi nghi nên tôi chạy đi nhờ người em phá cửa nhà vệ sinh thì thấy L. treo lơ lửng ở sát tường. Cổ áo của cháu móc trên móc treo quần áo của nhà vệ sinh. Bế L. ra thì đã ngưng thở, có hô hấp nhân tạo với đưa cháu đi cấp cứu nhưng không cứu được", người mẹ buồn bã nói.
Được biết, bé L. là một bé trai có tính cách hiếu động và hay tò mò. Do công việc mưu sinh bận rộn, chị Mai cũng không đủ thời gian giám sát con nhỏ khi cho con sử dụng điện thoại di động. Cho đến khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, kiểm tra lại lịch sử YouTube, chị Mai mới sợ hãi khi nhìn thấy những video mà con mình từng xem.
"Đến khi công an vào điều tra, kết luận nói con làm theo thử thách Momo, tôi mới kiểm tra lại lịch sử YouTube. Khi nhìn thấy cái chương trình Momo đó trên điện thoại, tôi sợ đến mức không dám xem. Xem xong, tôi chỉ muốn vứt hết điện thoại trong nhà đi, xài điện thoại 'đập đá' chứ không muốn xài cảm ứng làm gì nữa. Hiện đại nhưng nguy hiểm quá", chị Mai nói.
Sau khi sự việc đau lòng qua đi, chị Mai như bị ám ảnh bởi chiếc điện thoại. Ngoài cháu L., chị Mai còn có hai cậu con trai, một đứa 10 tuổi và một đứa 2 tuổi.
Được biết, sau khi xảy ra sự việc đau lòng, cả gia đình chị Mai đều hạn chế việc sử dụng điện thoại. "Từ khi L. mất, tôi không cho hai đứa còn lại xem điện thoại nữa. Cả tôi cũng ít dùng. Chỉ những khi có tôi hoặc chồng giám sát ở nhà thì mới cho xem. Tôi cũng tải ứng dụng YouTube Kids về để cho mấy đứa nhỏ xem cho an toàn. Tôi sợ... hai đứa nó lại làm theo Momo nữa, L. nó đi quá đột ngột. Mới còn ngồi ăn cơm, chăm sóc cha bệnh chung với mình, mà mới sơ sẩy có mấy phút... con nó mất".
Bên cạnh đó, chị Mai cũng mong muốn những người làm YouTube, làm Vlog có lương tâm, đừng đăng, đừng chia sẻ những video nguy hiểm như vậy nữa. Các bậc cha mẹ cũng phải chăm sóc con mình cẩn thận, đừng để chúng cứ dán mắt vào điện thoại.
Thử thách Momo (Momo challenge) trên YouTube được đánh giá là có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát
Đây không phải là lần đầu tiên, vụ việc các trẻ nhỏ xem và làm theo video hướng dẫn trò thắt cổ trên YouTube. Trước đó, theo thông tin trên báo Pháp luật, chị N. đã chia sẻ câu chuyện đau lòng khi cháu gái của chị tên là V.T.D (5 tuổi, TP.HCM) vì học theo trò chơi treo cổ trên YouTube nên đã tử vong thương tâm.
Chị N. cho biết, sự việc xảy ra lúc 14h10 ngày 12/10, trong khi bố mẹ đi làm, cháu D. ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ một vài phút người lớn không để ý, D. đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Dù được đưa đi cấp cứu nhưng bé gái 5 tuổi đã ra đi mãi mãi. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.
"Thử thách Momo" được cho là trào lưu đến từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ liên lạc với người chơi qua Messenger hoặc WhatsApp, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tăng cường quản lý thuốc lá trong giới trẻ
- Từ 1/6, Hà Nội miễn phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID
- Người 21 lần hiến máu và không ngừng "truyền lửa" đến cộng đồng
- Giá vàng SJC tăng 'điên cuồng' bất chấp mọi can thiệp
- Sân bay nóng như 'chảo lửa' có ảnh hưởng đến các chuyến bay?
- Quá khủng khiếp: 110 kỷ lục nắng nóng bao trùm kỳ nghỉ lễ
- Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
- Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp 30/4-1/5
- Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?
- Siêu mẫu Minh Tú mặc váy cưới xuyên thấu, gợi cảm bên bạn trai ngoại quốc
- Những chiến sĩ blouse trắng lặng thầm tỏa sáng
- Đề xuất mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ 1/7/2024