Metro số 1"tăng tốc" đầu tháng 10 đón tàu về Việt Nam
Tuyến metro số 1 đang "tăng tốc" với việc các chuyên gia nước ngoài được cho phép vào Việt Nam để làm việc tại đây. Vào tháng 10, đoàn tàu đầu tiên cũng sẽ được chuyển về TPHCM.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM vừa có báo cáo về việc tổ chức lễ đón đoàn tàu của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về nước. Đây cũng là hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 trước ngày 5/10. Trong khoảng thời gian từ ngày 10-12/10 sẽ tổ chức lễ đón tại Depot Long Bình, quận 9.
Đoàn tàu của tuyến metro số 1 được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản trước khi vận chuyển về Việt Nam. Đoàn tàu có 3 toa xe (giai đoạn đầu) và 6 toa xe (tương lai), với chiều dài đoàn tàu 3 toa xe là 61,5m và 6 toa xe là 121,5m.
Tốc độ tối đa thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn hầm). Đoàn tàu 3 toa xe có thể chở 930 khách, trong đó ngồi 147 khách và đứng là 783 khách.
Theo kế hoạch, tháng 6/2020, đoàn tàu đầu tiên sẽ về nước, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bị chậm trễ. Để chuẩn bị cho công tác đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã phối hợp các nhà thầu tập trung cho công tác chuẩn bị từ việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, công tác nhập khẩu đoàn tàu và chuẩn bị mặt bằng tại công trường...
Mới đây, 2 chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam, đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày và đến công trường làm việc vào ngày 24/8. Hai chuyên gia này thực hiện nhiệm vụ thi công lắp mái nhà ga trên cao Tân Cảng của tuyến metro số 1. Đây là nhà ga cuối cùng được lắp mái, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10/2020.
Ngay khi trở lại công trường ga Tân Cảng, chuyên gia Hàn Quốc tổ chức lắp đặt mô hình và luyện tập lắp đặt mái, đồng thời tiến hành đào tạo các công nhân, kỹ sư Việt Nam đã được tuyển chọn để lắp đặt tại hiện trường.
Nhà ga Metro khu vực Tân Cảng
Mái vòm nhà ga Tân Cảng đang được thi công
Các công nhân đang thực hiện luyện tập lắp đặt mái
Công tác chuẩn bị cho việc lắp đặt mái được thực hiện cả ngày và đêm
Theo chuyên gia Hàn Quốc, việc khởi công bị chậm trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sẽ cố gắng giảm bớt tối đa sai lầm phát sinh trong thi công lắp đặt, đặc biệt tập trung chuẩn bị thi công thiết bị tạm và chính thức tới đây để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng công trình.
Ga Tân Cảng là 1 trong 11 ga trên cao của tuyến metro số 1, cũng là ga lớn nhất và biểu trưng của tuyến. Khác với 10 ga trên cao còn lại là lắp mái bằng tấm pano, ga Tân Cảng sử dụng vật liệu mềm làm bằng sợi thủy tinh. Đây là thiết bị nhập khẩu nước ngoài đáp ứng yêu cầu cao về mỹ thuật và độ bền. Toàn bộ thiết bị đã nhập khẩu về thành phố và dự kiến 20/9 sẽ tiến hành lắp đặt.
Ga Tân Cảng mang tính biểu trưng của tuyến
Ga Tân Cảng sẽ sử dụng vật liệu mềm làm bằng sợi thuỷ tinh để lợp
Do chất liệu chất lượng cao nên đòi hỏi kỹ thuật lắp ráp cũng yêu cầu tay nghề người thợ thật tốt, chính vì thế các kỹ sư Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc lắp ráp
Dự kiến ngày 2/9 sẽ tiến hành lắp đặt phần mái
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, 6 chuyên gia Nhật Bản sẽ lên máy bay, nhập cảnh Việt Nam vào ngày 18/9 và thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định. Các chuyên gia này phụ trách các công tác chuẩn bị cho việc vận chuyển và nhập khẩu đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1.
Tuyến metro số 1 có hàng trăm chuyên gia nước ngoài, trong thời gian tới sẽ lần lượt có mặt để xử lý các công việc liên quan. Sắp tới sẽ có 44 chuyên gia theo đoàn tàu về Việt Nam.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự kiến, thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý IV/2021.
Tuyến metro đầu tiên của TPHCM dài 19,7km (gồm 2,6km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao), với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, dự án với 4 gói thầu chính.
Hướng tuyến metro 1: Bến Thành (tại Quảng trường Quách Thị Trang) - Lê Lợi - Nguyễn Siêu - Ngô Văn Năm - Tôn Đức Thắng - Ba Son - Nguyễn Hữu Cảnh - Văn Thánh - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội và kết thúc tại Depot Long Bình, quận 9, rộng 20ha.
Tuyến Metro tại chợ Bến Thành
Đoạn qua đường Lê Lợi
Đoạn qua đường Tôn Đức Thắng - Ba Son - Nguyễn Hữu Cảnh - Văn Thánh - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn
Kết thúc tại Depot Long Bình, quận 9, rộng 20ha
Đến nay, 10/11 nhà ga trên cao xong kết cấu, lắp mái, đang thi công cơ điện; 3 ga ngầm cũng xong phần kết cấu, đang thi công hạng mục cơ điện. Dự án đạt gần 76% khối lượng công việc.
Trong đó, gói thầu CP1a (Đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố), khối lượng thực hiện đạt 74,7%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), khối lượng thực hiện đạt 86,7%.
Bên dưới nhà ga Nhà hát Thành phố (ảnh: MAUR)
Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot), khối lượng thực hiện đạt 85,55%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng): khối lượng thực hiện đạt 59,5%. (Ảnh chụp panorama)
Công trường metro số 1 có 2.700 công nhân, kỹ sư thi công 24/24h trên các gói thầu. Tổng số giờ an toàn dự án gần 40 triệu giờ.
Theo Quốc Anh - Phạm Nguyễn (Dân trí)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tăng cường quản lý thuốc lá trong giới trẻ
- Từ 1/6, Hà Nội miễn phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID
- Người 21 lần hiến máu và không ngừng "truyền lửa" đến cộng đồng
- Giá vàng SJC tăng 'điên cuồng' bất chấp mọi can thiệp
- Sân bay nóng như 'chảo lửa' có ảnh hưởng đến các chuyến bay?
- Quá khủng khiếp: 110 kỷ lục nắng nóng bao trùm kỳ nghỉ lễ
- Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
- Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp 30/4-1/5
- Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?
- Siêu mẫu Minh Tú mặc váy cưới xuyên thấu, gợi cảm bên bạn trai ngoại quốc
- Những chiến sĩ blouse trắng lặng thầm tỏa sáng
- Đề xuất mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ 1/7/2024