MỘT SỐ KHUYẾN CÁO CHO NGƯỜI NHIỄM HIV TRONG MÙA DỊCH COVID-19
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là hiện tại không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy: Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc COVID-19 đặc biệt cao hơn so với người không nhiễm hoặc nếu có mắc bệnh thì họ sẽ phải chịu hậu quả xấu hơn về sức khỏe. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút, những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh nặng nhất là:
- Người có số lượng tế bào CD4 thấp và tải lượng vi rút cao
- Người nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV
Các dữ liệu lâm sàng hiện tại về COVID-19 cũng cho thấy các yếu tố nguy cơ tử vong chính do COVID-19 có liên quan đến tuổi già và các bệnh khác kèm theo nên nếu người nhiễm HIV cao tuổi, có các bệnh nền như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường…thì nguy cơ tử vong càng cao.
Vì vậy, người nhiễm HIV nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khỏi bị mắc Covid-19 tương tự như dân số nói chung. Cần:
- Tránh xa người đang ho, ốm
- Rửa/vệ sinh tay thường xuyên và không chạm vào mặt
- Hàng ngày vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc
- Đeo khẩu trang nếu bạn bị ốm, chăm sóc người ốm hoặc đến nơi công cộng
- Che mồm khi ho hoặc hắt hơi
- Nếu bị ốm hãy ở nhà.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi phải tiếp xúc với người khác
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế khi có các biểu hiện (sốt, ho, đau người/mệt mỏi, khó thở) và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài những khuyến cáo chung cho tất cả cộng đồng, người nhiễm HIV có thể thực hiện để bảo vệ bản thân theo một số bước sau:
- Hãy chắc chắn bạn có đủ ít nhất 30 ngày thuốc ARV, cùng các loại thuốc và vật tư y tế khác bạn cần để kiểm soát HIV.
- Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu bạn phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám cấp thuốc điều trị HIV cho bạn (điện thoại, tư vấn online).
- Người sống chung với HIV đôi khi cần sự giúp đỡ thêm từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, nhân viên y tế cộng đồng,… Nếu bạn bệnh, hãy chắc chắn rằng bạn giữ liên lạc qua điện thoại hoặc email với những người có thể giúp bạn.
- Hãy gọi cho đường dây nóng cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế nếu bạn có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Hotline Bộ Y tế 1900 3228 hoặc 1900 9095.
Một số lưu ý đặc biệt với người nhiễm HIV:
- Không bắt đầu sử dụng một số loại thuốc điều trị HIV (Lopinavir/Ritonavir) hoặc thay đổi điều trị ARV để điều trị hoặc dự phòng COVID-19. Một số loại thuốc điều trị HIV (Lopinavir/Ritonavir) đang được đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng để điều trị COVID-19. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy loại thuốc này có thể giúp điều trị nhiễm SARS và MERS (hai loại corona vi rút khác liên quan đến vi rút gây ra COVID-19), nhưng vẫn chưa có số liệu, bằng chứng nào từ các thử nghiệm lâm sàng về việc các thuốc này giúp chữa trị người nhiễm COVID-19.
- Không sử dụng thuốc thảo dược - các loại thuốc này có thể tương tác với ARV.
- Nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng. Nếu đang sử dụng ARV, điều quan trọng nhất là tuân thủ điều trị và làm theo lời khuyên của bác sỹ tại cơ sở y tế đang điều trị HIV/AIDS cho bạn. Đây là cách tốt nhất để giữ cho hệ miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
- Chăm sóc, hỗ trợ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế
Cuối cùng, do hiện tại chưa có phương pháp điều trị hoặc vắc-xin nào được phê duyệt để phòng ngừa virút gây ra Covid 19. Nên cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh tiếp xúc với COVID-19.
Theo CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người