Tải lượng virus HIV dưới ngưỡng sẽ không lây HIV qua đường tình dục
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1 ml máu.
Để đưa ra khẳng định này, ít nhất đã có 4 nghiên cứu khác nhau trên hàng chục nghìn người không có HIV, với tổng số 128.000 lần quan hệ tình dục với người có HIV đang điều trị ARV (thuốc kháng virus) có tải lượng virus dưới 200 bản sao/1 ml máu (không phát hiện). Kết quả cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV (không lây truyền).
Nhân viên y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc ARV và xét nghiệm đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV
THÚY ANH
Những người không có HIV trong các nghiên cứu trên gồm những người có quan hệ tình dục đồng giới, khác giới và không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2017 tại Pháp và năm 2018 tại Hà Lan.
Đến nay, đã có hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện trên, bao gồm các tổ chức uy tín như: Tổ chức Y tế thế giới; Tổ chức Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS; Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ.
Với bằng chứng nêu trên, chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền (K = K)" đã được triển khai tại các quốc gia. "K = K" là một người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang bạn tình không có HIV.
Tại Việt Nam, chiến dịch này đã triển khai từ tháng 9.2019.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, người có HIV cần tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện; tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc; tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài.
Không tự kỳ thị, vì người có HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục khi được kiểm soát virus hiệu quả.
theo báo Thanh Niên
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người