Tạo hành lang pháp lý thuận lợi chấm dứt bệnh AIDS
Đồng thời, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, nâng cao hiệu quả, nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi |
Để tìm hiểu thêm về những điểm mới đã được bổ sung, sửa đổi trong bộ luật, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Thay vì đủ 16 tuổi trở lên mới được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV như quy định hiện hành, trong Luật sửa đổi, bổ sung đã hạ độ tuổi xuống là 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự sẽ được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm, xin ông cho biết việc sửa đổi này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Trong bối cảnh hiện nay, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20.Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.
Hiện nay, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm: Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.
Bên cạnh đó, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật Dân sự: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines cũng quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV”.
Ngoài ra, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm bảo đảm sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.
Vấn đề tiếp cận thông tin, bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV cũng là nội dung được sửa đổi trong bộ luật lần này, xin ông cho biết việc sửa đổi này mang lại những lợi ích gì cho những người nhiễm HIV?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Đây là nội dung rất cần thiết nhằm bảo đảm hành lang pháp lý trong cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Bởi quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại, chỉ những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV mới được biết thông tin về người nhiễm HIV, tuy nhiên trong thực tế một bệnh nhân trong cơ sở y tế có nhiều người tham gia gián tiếp vào quá trình điều trị cho người nhiễm HIV, như các nhân viên hành chính trong tiếp nhận, thanh quyết toán viện phí, nhân viên tổng hợp hồ sơ bệnh án trong cấp phát thuốc, trưởng khoa phòng bệnh viện, bác sĩ trực…
Ngoài ra, nếu bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, thì quy trình của thanh toán bảo hiểm y tế có bước chuyển thông tin bệnh nhân lên cổng thanh toán điện tử của bảo hiểm y tế, nhân viên bảo hiểm y tế có thể giám định tính trung thực trên hồ sơ bệnh án của người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện được chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV theo đúng quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ có cách là thiết lập 1 hệ thống riêng để điều trị HIV/AIDS, điều này trên thực tế là không khả thi, khi số người nhiễm HIV điều trị HIV/AIDS càng ngày càng nhiều (hiện 150.000 người). Do đó, việc bổ sung một số người trong cơ sở y tế được phép biết thông tin người nhiễm HIV trong quá trình khám điều trị và thanh toán bảo hiểm y tế là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi bảo mật thông tin, tiếp cận thông tin cũng giúp bảo đảm công tác giám sát dịch HIV/AIDS. Cụ thể, về kỹ thuật giám sát dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và HIV/AIDS nói riêng là cần phải xác định địa bàn, nhóm người có nguy cơ, giới, tuổi để có thông tin xây dựng chính sách, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp can thiệp đúng địa bàn, đối tượng phù hợp mới có hiệu quả cao và ngăn chặn sự lây lan của dịch kịp thời.
Ngoài ra, do đặc thù của người nhiễm HIV thường xét nghiệm HIV lặp lại nhiều lần, tại nhiều nơi, nên nếu tổng hợp về số liệu tổng hợp sẽ tăng số liệu so với thực tế, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, phân tích dịch HIV/AIDS.
Trong kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS hiện nay cho thấy, điều trị HIV/AIDS sớm là một biện pháp dự phòng hiệu quả, khi người nhiễm HIV có lượng virus trong máu thấp (dưới ngưỡng phát hiện hoặc dưới 200 bản sao/ ml máu) thì không lây nhiễm HIV. Thực tế hiện nay theo báo cáo hiện nay có khoảng 210.000 người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV, nhưng chỉ có 150.000 người tham gia điều trị, như vậy có 60.000 người biết tình trạng HIV của mình chưa tham gia điều trị ARV. Nếu chúng ta cho phép người trong làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được phép tiếp cận những người nhiễm HIV chưa điều trị để tiếp cận người nhiễm để tư vấn, hỗ trợ họ tham gia điều trị sớm cũng là một giải pháp quan trọng trong dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Việc bổ sung, sửa đổi mang lại lợi ích cho người nhiễm HIV, giúp cho người nhiễm HIV được chăm sóc điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe của người nhiễm HIV.
Đối với cơ sở y tế, giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, giám sát và kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS. Đối với cộng đồng, giúp cho họ có thông tin người nhiễm HIV để xác định đối tượng, địa bàn để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Trong bộ luật được bổ sung, sửa đổi, để duy trì tính ưu việt của chính sách hiện hành, đồng thời bảo đảm tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cũng là một nội dung được đặc biệt chú trọng, xin ông cho biết sự cần thiết của việc sửa đổi?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra chủ yếu vào 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc khi cho con bú. Mức độ lây truyền phụ thuộc vào số lượng HIV của người mẹ. Nếu người mẹ nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiệu quả có số lượng HIV thấp dưới 1000 bản sao/ml vào lúc chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 0,5%, tức là 99,5% trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu người mẹ nhiễm HIV không điều trị thuốc ARV thì có từ 30%-45% trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 1.800-2.000 trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV với tỷ lệ HIV dương tính giảm từ 10% vào năm 2011 xuống 5,4% vào năm 2019. Tuy nhiên, trong nhóm trẻ có mẹ được điều trị bằng thuốc ARV thì tỷ lệ này năm 2019 là 1,6%.
Mặt khác, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hiện chiếm khoảng 90%. Trong khi đó, xét nghiệm HIV là một xét nghiệm phổ biến, dễ thực hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thuộc danh sách xét nghiệm được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với chi phí là 54.000 đồng/xét nghiệm.
Tần xuất xét nghiệm tốt nhất là 3 lần/thai kỳ trùng với thời kỳ khám thai. Tuy nhiên, có thể thực hiện 2 lần/thai kỳ với lần xét nghiệm thứ hai phải thực hiện vào kỳ khám thai thứ hai. Tổng kính phí ước tính hằng năm có 1,8 triệu - 2 triệu phụ nữ mang thai sinh con, trong số này có khoảng 10% đã biết tình trạng nhiễm HIV trước đó. Như vậy, ước tính kinh phí cho xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là 194 đến 292 tỷ đồng/năm.
Để hướng đến mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ thì 100% phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần được làm xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV sớm. Do đó, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn là việc làm nhân văn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Chi(Theo Chinhphu.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người