Trải lòng của người phụ nữ có HIV, hàng ngày chạy xe ôm mưu sinh
Đến nay đã 16 năm, chị luôn tuân thủ điều trị, lấy thuốc ARV định kỳ tại BV Bạch Mai và thường xuyên tham gia các nhóm đồng đẳng để sẻ chia cùng nhau lạc quan vươn lên bệnh tật. Bươn chải với đủ thứ nghề kiếm sống như bán cháo lòng, bán nước mía, chạy xe ôm... nhưng chị M. lúc nào cũng đầy nghị lực và hi vọng sống.
"Dù bệnh tật, chồng đã mất, sống xa quê hương nhưng tôi vẫn cố gắng vươn lên để sống tốt và có ý nghĩa. Những ai không hiểu hoàn cảnh, nếu biết tin tôi nhiễm HIV họ sẽ nghĩ do ăn chơi, nghiện ngập... nên mới mắc bệnh. Mình cũng không cần phải thanh minh, miễn là mình sống đúng sống tốt, vì bên cạnh tôi còn có 2 con gái, các cháu rất thương mẹ và luôn đồng hành cùng mẹ..." - người phụ nữ chia sẻ.
Ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang trực tiếp quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, duy trì cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) cho hơn 2.000 người nhiễm HIV. Mỗi người trong số họ lại là một câu chuyện đời vui, buồn khác nhau.
Chia sẻ bên lề Hội thảo hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị chuyên sâu các bệnh nhân nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người bệnh nguy kịch đã được các thầy thuốc cứu sống, điển hình như bệnh nhân Khương Thị T. (44 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở rất nặng, được chẩn đoán viêm phổi PCP đã được cứu chữa khỏi bệnh, tiếp tục điều trị ngoại trú tại phòng khám HIV.
Một trường hợp khác là ca bệnh suy đa tạng của bệnh nhân nhiễm nấm Talaromyces marneffei, viêm màng não do nấm cryptococcus neoformans đã được chữa khỏi, ra viện trở về với cuộc sống thường nhật, nhiều trường hợp lấy vợ/chồng và sinh con khỏe mạnh không bị nhiễm. Dự án điều trị viêm võng mạc do CMV cho người có HIV tại Khoa Mắt của bệnh viện đã mang ánh sáng trở về cho nhiều người bệnh.
Đội ngũ chuyên gia của bệnh viện cũng đã trực tiếp giảng dạy, hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Theo TS.BS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đến nay, Việt Nam đã trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Tuy nhiên nhóm nguy cơ cao hiện nay tập trung chủ yếu trong nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.
TS.BS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chúng ta đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Hội thảo hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS lần này sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiểu biết về HIV/AIDS cho nhân viên y tế để có thể nhanh chóng phát hiện sớm, tích cực phòng ngừa HIV và nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc đẩy lùi đại dịch.
Các chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều báo cáo chất lượng như: “Tình hình HIV hiện nay trên thế giới và Việt Nam: Cơ hội và thách thức” của TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; “Hướng tới mục tiêu 90-90-95 để thanh toán đại dịch AIDS vào năm 2030” của TS. Paula Morgan - Giám đốc văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; “Cập nhật về luật phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020” của PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS; “Chống kỳ thị phân biệt đối xử HIV trong môi trường y tế” của TS. Todd Pollack - Giám đốc tổ chức HAIVN và “Cập nhật xử trí sau phơi nhiễm nghề nghiệp” của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Dương Hải(sức khỏe và đời sống)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người